Đường dẫn truy cập

Một vở kịch về người tỵ nạn ra mắt tại Australia


Vở kịch "I Am Here" được diễn tại Nhà hát ở Brisbane, Australia
Vở kịch "I Am Here" được diễn tại Nhà hát ở Brisbane, Australia
Một vở kịch mới đã ra mắt khán giả ở thành phố Brisbane của Australia kể lại câu chuyện của 6 người Phi châu tỵ nạn. Mỗi nhân vật đều đã bỏ trốn khỏi châu Phi để bắt đầu một cuộc sống mới ở Australia. Vở kịch này tìm hiểu nỗi thống khổ mà các nhân vật phải trải qua khi tìm cách đi tỵ nạn khỏi Rwanda, Congo và Ethiopia, và sự kỳ thị và bị xa lánh mà họ thường phải chịu đựng ở quê hương mới.

“I Am Here” theo dõi hành trình của 6 người tỵ nạn trẻ tuổi khi họ bỏ lại phía sau những cuộc sống đầy khó khăn ở châu Phi và bắt đầu lại từ đầu ở Australia. Vở kịch này dựa trên những câu chuyện có thật.

Một đoạn trong vở kịch ghi lại chi tiết cái chết của bà mẹ của một trong những người tỵ nạn vì bị đầu độc ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo.

Các diễn viên viết vở kịch như một cách để cảm tạ quê hương thứ hai đã đón nhận họ, và cũng để bầy tỏ sự bất bình mà họ cảm thấy khi bị xa lánh hay từ chối các cơ hội bởi lẽ họ là nguời tỵ nạn.

Một trong các ngôi sao của vở kịch, Senayt Mebrahtu, nói sự nghiệp diễn viên của cô ở Australia đã bị trở ngại vì nguồn gốc của cô. Cô nói:

“Mỗi vai tôi xin diễn thử đều có một đặc điểm nào đó mà tôi không hợp. Tôi có thể nhuộm tóc, đeo kính sát tròng để có đôi mắt xanh, ngoài ra chẳng có cách nào khác. Vì thế chúng tôi cần phải chấp nhận chuyện bị xa lánh vì là người tỵ nạn hay là chỉ đóng những vai phụ là người Phi châu. Chúng tôi là người Úc mà.”

Ban tổ chức nói việc dựng vở kịch nhắm mục đích xây dựng sự thông cảm giữa người tỵ nạn và người dân Úc.

Sản phẩm của Công ty Kịch nghệ Queensland được sự ủng hộ của Kerrin Benson, người đứng đâu Hiệp hội Phát triển Ða văn hóa, chuyên giúp người tỵ nạn khi họ đến Australia. Ông Benson nói:

“Rất hiếm khi tôi gặp một người tỵ nạn mà không bị mất người thân hoặc chứng kiến người thân bị sát hại, hoặc trải qua một sự tra tấn hay đau khổ. Ðiều đó tiêu biểu cho tất cả các câu chuyện của những người mà chúng tôi cùng làm việc. Rất hiếm khi họ không bị một cú sốc văn hóa nào đó khi đến Australia, và đó cũng là một phần tiêu biểu trong câu chuyện. Phần kia là cách thức mọi người thường chuyển từ chỗ được nhận diện là một người tỵ nạn đến chỗ được xác định là công dân Úc có nguồn gốc là người tỵ nạn. Ðó là tất cả những chi tiết tiêu biểu trong câu chuyện.”

Australia đã tái định cư cho khoảng trên 700 ngàn người tỵ nạn kể từ đầu thập niên 1900. Trong những năm gần đây, việc dành nơi an toàn cho những người cần đến nó đã trở thành một vấn đề chính trị gây nhiều chia rẽ vào lúc chính phủ ở Canberra tìm cách ngăn chặn một luồng người xin tỵ nạn đổ đều đặn vào Australia bằng tàu thuyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG