Đường dẫn truy cập

11 Kitô hữu bị Việt Nam bỏ tù tổng cộng 90 năm hiện đang mất tích


Bản tin về Việt Nam trên trang International Christian Concern, 7/5/2024.
Bản tin về Việt Nam trên trang International Christian Concern, 7/5/2024.

11 nam Kitô hữu người Việt, bị kết án tổng cộng 90 năm 8 tháng tù vì các hoạt động tôn giáo, gần đây đã biến mất một cách bí ẩn, gây ra nhiều lo ngại về việc chính quyền đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam, các trang International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News cho hay.

Những người nêu trên bị bắt từ năm 2011 đến năm 2016, bao gồm 6 người theo đạo Tin Lành và 5 người theo Công giáo. Hiện nay đang không có thông tin về họ trong hệ thống nhà tù của Việt Nam, tổ chức theo dõi nạn đàn áp tôn giáo International Christian Concern có trụ sở tại Mỹ loan báo hôm 5/7, được The Christian Post và Premier Christian News dẫn lại hôm 8/7.

Theo International Christian Concern, 6 tín đồ Tin lành tham gia nhóm Tin lành Đề Ga và 5 tín đồ Công giáo là người theo đạo Hà Mòn. Vẫn International Christian Concern lưu ý rằng cả hai nhóm tôn giáo kể trên đều chưa được chế độ cộng sản Việt Nam chính thức công nhận. Chính quyền của đất nước này thường nhắm mục tiêu vào các nhóm như vậy với cáo buộc là họ “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, The Christian Post nhận xét.

International Christian Concern và The Christian Post đưa ra thông tin là những tín đồ Tin lành Ro Mah Pla, Siu Hlom, Rmah Bloanh và Rmah Khil bị xử lý với lý do cụ thể là họ theo Tin lành Degar.

Trong khi đó, Sùng A Khua bị bắt vì “phá rừng” sau khi không chịu bỏ đạo, còn Y Hriam Kpa bị giam vì không chịu đóng cửa nhà thờ của ông. Năm người Công giáo - Runh, A Kuin, A Tik, Run và Đinh Kuh – cũng phải chịu các cáo buộc tương tự vì theo đạo Công giáo Hà Mòn.

Người Đề Ga, còn gọi là người Thượng, là một nhóm người bản địa ở Tây Nguyên của Việt Nam, trước đây họ đứng về phía Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và họ theo Kitô giáo.

Các bài đăng của International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News viết rằng theo tổ chức có tên Chiến dịch Chấm dứt Tra tấn ở Việt Nam, những Kitô hữu người Thượng thường bị ép phải bỏ đạo, phải đối mặt với những hậu quả nặng nề như bị đánh đập và bỏ tù nếu họ chống lại.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (USCIRF) từng báo cáo về những vi phạm liên tiếp ở Việt Nam, bao gồm việc đập phá nhà cửa và xua đuổi những gia đình như hộ nhà ông Sùng A Khua, nhằm đàn áp các hoạt động Kitô giáo.

Năm 2018, Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trên danh nghĩa là đặt ra quy định về các hoạt động tôn giáo nhưng bị chỉ trích vì luật có tính chất hạn chế, cấm đoán.

USCIRF đưa ra đánh giá hồi năm 2019 rằng quy trình của Việt Nam về việc các nhóm tôn giáo đăng ký hoạt động rất “phức tạp và nặng nề”, đồng thời lưu ý rằng việc duyệt đơn đăng ký thường chậm trễ, kéo dài. Đạo luật này không chỉ kiểm soát các tôn giáo được công nhận mà còn gây áp lực buộc các nhóm không được công nhận phải tuân theo các hoạt động được nhà nước phê chuẩn, như vậy cản trở đáng kể quyền tự do tôn giáo, International Christian Concern, The Christian Post và Premier Christian News nêu lên quan sát.

Báo cáo thường niên mới nhất của USCIRF, công bố hồi tháng 5, khẳng định rằng các vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp tục, với việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập đang diễn ra. Báo cáo nói rằng chính quyền đặc biệt mạnh tay với các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Như VOA đã đưa tin, USCIRF đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại diện “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, nghiêm trọng và không ngừng.

Hơn 1 tháng sau, hôm 26/6, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023, lưu ý rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước. Báo cáo nêu tên Việt Nam và 16 nước khác đáng đưa vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Hôm 4/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong một cuộc họp báo rằng Hà Nội “lấy làm tiếc” là mặc dù báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng, song “vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Bà Hằng khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nhấn mạnh "Không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật".

Bà nói thêm rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ.

"Trên tinh thần đó, Việt Nam đề nghị phía Mỹ cần có những đánh giá khách quan, dựa trên các nguồn thông tin chính xác và toàn diện về tình hình thực tế tại Việt Nam, sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo", nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG