Đường dẫn truy cập

Ngành chế tạo Mỹ đòi tăng bảo hộ trước hàng nhập khẩu của TQ, VN có thể bị ảnh hưởng


Cờ của United Steelworkers ở Ecorse, bang Michigan, Mỹ, 24/9/2019. (REUTERS/Rebecca Cook)
Cờ của United Steelworkers ở Ecorse, bang Michigan, Mỹ, 24/9/2019. (REUTERS/Rebecca Cook)

Một nhóm chính sách - do công đoàn có tên United Steelworkers và các hãng chế tạo Mỹ đứng đầu - kêu gọi Mỹ áp dụng các rào cản thương mại vững chắc hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sau khi Tổng thống Joe Biden áp đặt mức thuế cao vọt đối với xe điện, tấm pin mặt trời và các hàng hóa chiến lược khác của Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu 14/6, Liên minh ngành chế tạo Mỹ (AAM) công bố báo cáo về năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, nhắc lại những lo ngại mà chính quyền của ông Biden và các đồng minh của Mỹ nêu ra trong những tháng gần đây, cho rằng cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn làn sóng xuất khẩu giá rẻ và được trợ cấp đang đe dọa công ăn việc làm của Hoa Kỳ.

Nhóm AAM kêu gọi hãy khôi phục công cụ chống nhập khẩu đột biến đã hết thời hạn áp dụng nhiều năm qua. Công cụ này được tạo ra khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, mà nhờ đó đã đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc xuất khẩu toàn cầu.

Biện pháp bảo vệ có tên là Điều luật 421 được thiết kế để cho phép Hoa Kỳ áp đặt thuế quan tạm thời nhằm giảm bớt sự xáo trộn trên thị trường do nhập khẩu gia tăng vì hàng Trung Quốc có giá sản xuất cơ sở ở mức thấp, khi Trung Quốc được kết nạp vào hệ thống thương mại toàn cầu 23 năm trước. Mục đích của điều luật là giúp các ngành nghề của Mỹ vẫn có không gian an toàn khi Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với một sân chơi bình đẳng hơn – nhưng sự chuyển đổi đó chưa hề đi đến đích.

Điều luật 421 chỉ được áp dụng một lần vào năm 2009, do tổng thống lúc bấy giờ là ông Barack Obama quyết định, theo yêu cầu của United Steelworkers, khi đó, những thành viên của công đoàn này bị các nhà máy sản xuất lốp xe của Mỹ sa thải do tác động của làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hành động đó đã tạm thời nâng mức thuế đối với lốp xe Trung Quốc từ mức 4% trong WTO lên tới 35%, nhưng Điều luật 421 đã hết hạn vào năm 2013.

AAM nói rằng với các nguy cơ mới về gia tăng nhập khẩu ồ ạt trong các ngành công nghiệp mới bao gồm xe hơi điện, năng lượng mặt trời và hàng bán dẫn, cũng như tình trạng gia tăng liên tục trong các lĩnh vực cũ như thép, thủy tinh và lốp xe, Điều luật 421 cần được khôi phục và hiện đại hóa.

AAM nêu báo cáo: “Bắc Kinh đã không tuân thủ các cam kết WTO và vẫn là một nền kinh tế phi thị trường. Trợ cấp của nhà nước Trung Quốc đối với các lĩnh vực quan trọng đang gây ra tình trạng dư thừa công suất lớn và đe dọa làm tăng nhập khẩu ở Hoa Kỳ, đòi hỏi phải khôi phục lại công cụ là Điều luật 421”.

Họ kêu gọi có những sửa đổi để cho phép áp dụng các mức thuế như vậy đối với cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc tăng vọt lên từ các nhà máy ở các nước thứ ba, chẳng hạn như Mexico hoặc Việt Nam, và cần có quy trình áp dụng thuế nhanh hơn, trước khi hàng nhập khẩu gây thiệt hại lâu dài cho hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ.

Nhóm AAM khuyến nghị một số bước nhằm chống lại việc Trung Quốc lách qua các quy định thuế quan của Hoa Kỳ bằng cách chuyển sản xuất sang các nước thứ ba như Mexico và Việt Nam, bao gồm Mỹ cần thông qua dự luật đã được đề xuất nhằm tăng cường luật chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ để có thể áp dụng cả vào các hoạt động sản xuất ở các cơ sở được đầu tư ở nước thứ ba, và đặt ra các quy định khắt khe hơn về xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do của Hoa Kỳ để loại trừ hàng hóa chứa các thành phần của Trung Quốc.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG