Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng đầu tư ở Việt Nam, Mexico vì căng thẳng thương mại với Mỹ


Quốc kỳ của Việt Nam và Trung Quốc treo phía trước một công ty nhựa của Trung Quốc ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam (ảnh tư liệu, 12/8/2017).
Quốc kỳ của Việt Nam và Trung Quốc treo phía trước một công ty nhựa của Trung Quốc ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam (ảnh tư liệu, 12/8/2017).

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng ưu tiên đầu tư vào Việt Nam, Mexico và một số nước khác giữa lúc căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và các chính phủ phương Tây, báo Financial Times, hai trang China Economic Review và Export.org.uk cho hay hôm 3/6.

Tính đến tháng 3 năm nay, có ít nhất 39 dự án sản xuất và hậu cần-kho vận của Trung Quốc ở Việt Nam được công bố và có ít nhất 41 dự án như vậy ở Mexico, theo dữ liệu của FDI Markets, một hãng con thuộc báo Financial Times.

Đây là con số cao nhất về các dự án được công bố ở Việt Nam và Mexico kể từ khi bộ phận FDI Intelligence của tờ báo bắt đầu theo dõi tin tức về đầu tư nước ngoài và những công bố của các công ty kể từ năm 2003. Giờ đây, cả Việt Nam lẫn Mexico đều vượt qua Mỹ trở thành điểm đến hàng đầu cho các dự án về chế tạo và hậu cần-kho vận của Trung Quốc.

Thái Lan, Malaysia, Hungary và Ai Cập cũng đón nhận các dự án của Trung Quốc ở mức kỷ lục trong khoảng thời gian từ đầu năm đến cuối tháng 3.

Financial Times chỉ ra rằng những diễn biến này cho thấy các hãng chế tạo của Trung Quốc đang tạo dựng sự hiện diện của họ ở nước ngoài ra sao khi các hãng đa quốc gia và các chính trị gia phương Tây tìm cách thoát khỏi tình trạng bị lệ thuộc trong hàng chục năm qua vào các hãng xưởng ở Trung Quốc và hạn chế vai trò của nước này trong việc cung cấp các sản phẩm quan trọng.

Trang DigiTimesAsia hôm 4/6 dẫn phân tích của Nomura, tập đoàn tài chính lớn ở Nhật Bản, cho rằng khi các hãng đa quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên là những nước được hưởng lợi nhiều. Nomura dự báo rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 11,4% cho đến hết năm 2030.

Như VOA đã đưa tin, nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 29,6 tỷ đô la, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 83 tỷ đô la.

Nhóm tư vấn Eurasia Group nói hồi tháng 4 rằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng đáng kể không chỉ vì có sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc mà còn vì các hãng Trung Quốc làm một động tác đơn giản là đưa hàng đi qua ngả Việt Nam, theo bài báo hôm 3/6 của Financial Times.

“Nhập khẩu trực tiếp [của Mỹ từ Trung Quốc] có thể giảm xuống. Nhưng người ta chỉ cần nhìn vào các con đường gián tiếp mà qua đó Mỹ vẫn tiếp tục dính vào chuỗi cung của Trung Quốc”, Giáo sư kinh tế Davin Chor thuộc Đại học Dartmouth, bang New Hampshire, nói.

Khi Mỹ nhập khẩu nhiều hơn từ các nước khác thay vì từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng xuất khẩu đến các nước đó. Liên quan đến vấn đề này, Financial Times dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu linh kiện máy tính từ nước này sang Việt Nam đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt mức 1,7 tỷ đô la trong giai đoạn 2017-2023.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG