Đường dẫn truy cập

Nghi vấn vàng nhập lậu vào Việt Nam qua ngả Campuchia


Vàng được bày bán ở cửa hàng tại Singapore.
Vàng được bày bán ở cửa hàng tại Singapore.

Campuchia nhập khẩu khoảng 15 tỷ USD vàng trong 5 năm từ Singapore, theo số liệu mà tổ chức phi chính phủ Mother Nature ở Cambodia biên soạn dựa theo thống kê của chính phủ. Tổ chức giám sát tham nhũng này cho rằng con số quá lớn đó tiềm ẩn báo động về khả năng có tội phạm tài chính, cụ thể là buôn lậu.

Chuyên gia George McLeod, một nhà tư vấn rủi ro chính trị tại Thái Lan, người đã điều tra về buôn bán vàng ở Campuchia, cho biết ngành thương mại này lợi dụng các quy định lỏng lẻo của Campuchia để buôn lậu vàng có nguồn gốc từ Singapore đến quốc gia được kiểm soát chặt chẽ là Việt Nam và hoạt động này đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập niên.

Ông nói: “Singapore là thị trường hoàn toàn tự do về vàng. Trên thực tế, bạn có thể mua vàng miếng ở đó với giá thị trường và sau đó xuất khẩu không giới hạn, bạn có thể xuất khẩu cả tỷ đôla vàng từ Singapore mà không bị tra xét gì cả”.

Ông McLeod cho biết vàng nhập khẩu vào Campuchia về cơ bản được miễn thuế và chỉ phải trả khoản phí giao dịch nhỏ cho ngân hàng quốc gia.

Từ đó, vẫn theo ông McLeod, nó thường được buôn lậu đến Việt Nam, nơi nhập khẩu vàng bị hạn chế và phải chịu thuế, dẫn đến mức biên lợi nhuận ít nhất là 7%-8%.

Chuyên gia này nói các doanh nhân của Việt Nam, với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, đang nỗ lực chuyển đổi doanh thu khỏi tiền đồng Việt Nam, vốn là đồng tiền không được quốc tế coi trọng.

Vì vậy, “nếu nhìn trong bối cảnh đó, thì việc có một lượng lớn vàng bất hợp pháp đi vào Việt Nam là hữu lý”, ông McLeod nói.

Các quan chức Campuchia bác bỏ cáo buộc có buôn lậu và nói rằng phần lớn vàng chỉ đơn giản được trung chuyển đến Campuchia trên đường đi tới nơi khác.

Trong bốn năm, xuất khẩu vàng của Singapore sang Campuchia đã lấn át tất cả các nước khác, trừ Trung Quốc. 407 tấn vàng đã được chuyển sang đất nước chùa tháp từ giữa năm 2012 và 2017.

So với tất cả cá mặt hàng khác của Singapore nhập khẩu vào Campuchia trong cùng kỳ, giá trị lượng vàng cao hơn 12 tỷ đôla, tổ chức giám sát căn cứ vào dữ liệu công khai của Bộ Thương mại Campuchia cho biết.

Đồng sáng lập tổ chức Mother Nature ở Cambodia, ông Alejandro Gonzalez-Davidson, người đã tiết lộ số liệu xuất khẩu biên soạn lại từ cơ sở dữ liệu Statlink của Singapore trong một video công bố hôm 1/10, nói với VOA rằng cần phải có câu trả lời cho sự chênh lệch này.

“Theo cách diễn giải dữ liệu của tôi, thì có chứng cứ rõ ràng là việc nhập khẩu vàng này đã không được ghi lại. Điều đó tự nó đã là sai trái nếu không muốn nói là hành vi bất hợp pháp”, ông Davidson nói hôm 3/10.

Ông cho biết thêm rằng trước đây, khi có những phát hiện về sự chênh lệch lớn trong xuất nhập khẩu có liên quan tới nạo vét cát và khai thác gỗ bất hợp pháp, chính phủ Campuchia đã đổ lỗi vì kế toán thiếu chính xác.

“Đúng là sẽ có một số chênh lệch, nhưng tất nhiên điều đó không thể lý giải làm thế nào mà anh có thể có mức chênh lệch hơn cả ngân sách của cả vương quốc Campuchia nhiều lần như vậy”, ông Davidson nói.

Ngân sách chi tiêu của Campuchia cho năm 2018 được phân bổ 6 tỷ đôla.

“Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta cần một lời giải thích từ các cơ quan có liên quan của Campuchia, đặc biệt là Tổng cục Hải quan và Thuế, và Ngân hàng Quốc gia Campuchia”, ông Davidson nói trong video.

Cả hai cơ quan trên đều không trả lời câu hỏi của VOA về vấn đề này.

Dự trữ vàng nhà nước của Campuchia đã không tăng lên trong ít nhất 18 năm, theo Hội đồng Vàng thế giới. Phát ngôn viên chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, nói ông không biết có cuộc điều tra nào của chính quyền Campuchia về việc này.

“Đó chỉ là một cáo buộc thôi. Điều đó vô căn cứ”, đại diện Bộ Ngoại Giao Campuchia nói.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Seng Thai cho biết một số sản phẩm được nhập khẩu vào Campuchia hoàn toàn vì mục đích xuất khẩu và do đó có thể không xuất hiện trên hồ sơ nhập khẩu.

Chuyên gia McLeod cho rằng nếu giả định một nửa số lượng vàng nhập khẩu mà tổ chức Mother Nature báo cáo là ở Campuchia, thì điều đó chỉ ra rằng “hoạt động buôn lậu khổng lồ có khả năng xảy ra”.

So với các hoạt động bất hợp pháp khác diễn ra tại Campuchia, ông nhấn mạnh, “đây có lẽ là một trong những hoạt động lành hơn”.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp hạng Campuchia là quốc gia tham nhũng nhất ở Đông Nam Á và nằm trong số 20 nước tham nhũng nhất trên thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG