Đường dẫn truy cập

Nhật ngày càng bị cô lập giữa lúc đàm phán ngoại giao Triều Tiên tiến triển


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trả lời thẩm vấn tại buổi họp quốc hội ở Tokyo ngày 19/3/2018.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trả lời thẩm vấn tại buổi họp quốc hội ở Tokyo ngày 19/3/2018.

Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ tìm kiếm một sự tái đảm bảo khi ông họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong tháng này, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Nhật đã bị đặt bên ngoài các tiếp xúc ngoại giao đang tiến triển nhanh chóng hướng đến các cuộc họp thượng đỉnh nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano của Đại học Sophia ở Tokyo nói:

“Nhật Bản có vẻ bị đặt ra bên ngoài và không có vai trò gì đặc biệt, ngoài việc có thể phải đóng góp một ngân khoản lớn, khi ông Trump đạt được thỏa thuận”.

Chia sẻ nguy cơ

Thủ tướng Abe sẽ họp với ông Trump tại câu lạc bộ golf Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở Florida vào ngày 17 và 18/4. Đây sẽ là cuộc họp thượng đỉnh thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo.

Trong một tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào các chế tài đối với Triều Tiên, cuộc gặp gỡ sắp tới của ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các vấn đề thương mại “công bằng và tương hỗ”.

Ông Abe có lẽ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất ở châu Á cho chiến dịch “Áp lực tối đa” của ông Trump trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Triều Tiên, ủng hộ đe dọa hành động quân sự, buộc chính phủ Kim phải ngừng chương trình hạt nhân.

Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên. Năm ngoái, Triều Tiên đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bay qua không phận Nhật Bản trong nỗ lực tăng tốc phát triển một ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới đại lục Hoa Kỳ.

Nhưng ông Abe gần đây rất bất ngờ trước quyết định gặp lãnh đạo Triều Tiên của ông Trump. Ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó về cuộc họp gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh tụ Kim.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đón tiếp Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm chính thức Trung Quốc.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đón tiếp Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm chính thức Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo cứng rắn của Nhật Bản có vẻ hoài nghi về cách tiếp cận qua Olympic của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới miền Bắc, nơi đã tạm dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa đầy khiêu khích, hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4 và cam kết của Kim Jong Un về việc tham gia đàm phán phi hạt nhân hóa với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nhật theo trông đợi sẽ cảnh báo ông Trump chớ mất cảnh giác trước các diễn biến ngoại giao đang tiến nhanh tới thỏa thuận nhằm giảm chế tài để đổi lấy việc vô hiệu hoá hoặc giảm một phần khả năng hạt nhân của Triều Tiên.

Giáo sư Hosaka Yuji, một nhà phân tích tại Đại học Sejong, Seoul nhận định:

“Tôi nghĩ rằng ông Abe sẽ tiếp tục thúc giục Hoa Kỳ đi theo hướng không nên nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên”.

Thủ tướng Abe cũng có thể sẽ đưa vấn đề hàng trăm người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970 và 1980 ra trong cuộc họp với ông Trump.

Quá phụ thuộc Hoa Kỳ

Một thỏa thuận phi hạt nhân hóa một phần sẽ vẫn đặt Nhật Bản vào nguy cơ bị Triều Tiên tấn công hạt nhân. Mối quan hệ được cải thiện giữa Triều Tiên với Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có thể đẩy Tokyo vào tình trạng căng thẳng khu vực trong các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ và những hành động tàn bạo của quân phiệt Nhật trong Thế chiến thứ hai.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng vẫn tiếp tục căng thẳng vì những tranh cãi xung quanh vấn đề úy phụ, khi hàng ngàn phụ nữ châu Á bị quân đội Nhật cưỡng ép làm nô lệ tình dục trong thời chiến. Thỏa thuận năm 2015 giữa Tokyo và Seoul đã không giải quyết được vấn đề.

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc hoàn toàn của ông Abe vào liên minh Mỹ về vấn đề an ninh, và không chú ý đến việc thắt chặt các mối quan hệ khác trong khu vực có thể khiến Nhật Bản bị bỏ rơi bên lề ngoại giao khu vực.

Về thương mại, trong khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Nhật Bản và các quốc gia Thái Bình Dương khác, Thủ tướng Abe đã chủ động lên tiếng ủng hộ việc cải thiện thương mại song phương với Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Trump gần đây vẫn để Nhật Bản nằm trong danh sách các nước bị áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Là một đồng minh quan trọng của Mỹ, ông Abe có thể sẽ yêu cầu được miễn thuế tương tự như Hàn Quốc.

Mức ủng hộ đối với ông Abe tại Nhật cũng giảm sút vì vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến cáo buộc cho rằng ông đã lợi dụng chức vụ để giúp đỡ bạn bè và gia đình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG