Đường dẫn truy cập

Nhiều doanh nghiệp gặp ‘muôn vàn khó khăn’ vì dịch, kiến nghị chính phủ VN hỗ trợ


Hàng hóa khan hiếm ở một số nơi thuộc Tp.HCM do đại dịch làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh; tháng 8/2021.
Hàng hóa khan hiếm ở một số nơi thuộc Tp.HCM do đại dịch làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh; tháng 8/2021.

Một nhóm hơn 10 doanh nhân Việt Nam mới đây đăng lên mạng một thư ngỏ, kêu gọi 5.000 chữ ký ủng hộ để đề nghị chính phủ giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn thời đại dịch.

Được đăng hôm 29/8 trên trang avaaz.org, một trang quốc tế chuyên dành cho các cuộc vận động online, thư kiến nghị - nhắm đến những người nhận là Thủ tướng Phạm Minh Chính và 6 bộ trưởng - trình bày rằng tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở miền nam, “đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài”.

Bức thư lưu ý rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Nhóm 11 doanh nhân chấp bút bức thư, là chủ một số công ty như AA Transport, BizUni, Việt Tinh Anh, Dom Capital, Đại Phúc Land, Cỏ May group…, liệt kê ra những vấn đề to lớn mà đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải.

Đó là họ phải ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động; chi phí tăng cao do những phát sinh về xét nghiệm, lo ăn ở cho người lao động khi cố duy trì hoạt động; tuy tạm dừng hoạt động, vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội (BHXH), lương; nhiều doanh nghiệp chứng kiến doanh thu trở về con số 0.

Thư kiến nghị - thu hút được gần 2.000 chữ ký vào tối 30/8 - nêu ra một loạt những điều mà các doanh nghiệp “xin chính phủ hỗ trợ”.

Đứng hàng đầu là lời đề nghị chính phủ cho doanh nghiệp tạm ngừng đóng BHXH ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch, không phạt các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ đại dịch, và miễn giảm 100% phí BHXH của doanh nghiệp và người lao động trong thơi gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội.

Các doanh nghiệp tiếp đến kiến nghị được miễn thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Họ cũng đề nghị được chấp nhận ghi vào sổ sách tất cả các loại chi phí phát sinh vì đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra.

Bên cạnh đó, những người tham gia thư kiến nghị kêu gọi cần phải có gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% cho giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch. Họ cũng đề nghị thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ - cả gốc và lãi - đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Đối với các doanh nghiệp còn lại, bức thư nêu ra kiến nghị rằng cần khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi chính phủ công bố hết dịch.

Ngoài các kiến nghị về hỗ trợ nêu trên, các doanh nghiệp “khẩn thiết kêu gọi” chính phủ và các bộ xây dựng lộ trình để các doanh nghiệp có thể dần hoạt động trở lại.

Trước mắt, họ đưa ra đề xuất khái quát rằng người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy… để làm việc khi đã tiêm 1 mũi, và được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi tiêm đủ 2 mũi, song song với đó là thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách, phòng ngừa gọi tắt là 5K.

Thư kiến nghị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất hiện ở thời điểm thông tin về dịch bệnh ở Việt Nam ngày càng trở nên bi quan với số ca lây nhiễm và tử vong mỗi lúc một tăng trong đợt dịch mới nhất bắt đầu vào cuối tháng 4.

Đến ngày 30/8, Việt Nam chứng kiến hơn 11.000 người tử vong vì dịch trong khi tổng số ca nhiễm lên đến gần 450.000 người.

Nhiều biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại tâm dịch là thành phố Hồ Chí Minh cùng với 22 tỉnh, thành khác, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, và vận tải, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không còn cầm cự được.

Tổng cục Thống kê của Việt Nam cho biết trong 8 tháng qua có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong nước, trong đó, 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 30.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trong cùng thời gian, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, ít hơn đáng kể so với số doanh nghiệp rút ra.

VOA Express

XS
SM
MD
LG