Đường dẫn truy cập

Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại biện pháp phong toả nghiêm ngặt ở Việt Nam


Người mua bên các kệ hàng gần như trống không tại một siêu thị ở TPHCM sau làn sóng mua tích trữ đồ ăn trước thời điểm tăng cường các biện pháp phong toả ngặt nghèo vì đại dịch COVID-19 hôm 21/8.
Người mua bên các kệ hàng gần như trống không tại một siêu thị ở TPHCM sau làn sóng mua tích trữ đồ ăn trước thời điểm tăng cường các biện pháp phong toả ngặt nghèo vì đại dịch COVID-19 hôm 21/8.

Nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ, Intel, và các công ty nước ngoài khác đang hoạt động ở Việt Nam lo ngại rằng các biện pháp nghiêm ngặt kéo dài nhằm đối phó với dịch COVID-19 ở thành phố Hồ Chí Minh có thể ngăn cản đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á.

Đại diện của các công ty nước ngoài đã gặp gỡ chính quyền TPHCM, nơi đang là tâm điểm của cả nước trong đợt bùng phát tồi tệ nhất của đại dịch, hôm 20/8, chỉ vài ngày trước khi thành phố lớn nhất cả nước áp dụng thêm các biện pháp nghiêm ngặt với sự hiện diện của quân đội nhằm thực thi lệnh “ai ở đâu ở yên đó.”

Hình ảnh trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy cảnh sát và quân đội được trang bị súng đã có mặt tại TPHCM khi thành phố này bắt đầu thực hiện các biện pháp phong toả quyết liệt hơn từ ngày 23/8 cho tới ít nhất là 15/9 theo một chỉ thị được ban hành từ chính phủ ở Hà Nội hôm 20/8 trong lúc số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID tiếp tục tăng cao.

Từ 19/8, Việt Nam bắt đầu ghi nhận số ca lây nhiễm trong một ngày đạt mốc trên 10.000 người và số ca tử vong đạt mức kỷ lục, 737, hôm 22/8, theo thống kê của Bộ Y tế.

Mục đích của cuộc họp hôm 20/8 là để các doanh nghiệp sản xuất như Intel chia sẻ những thách thức mà họ đang phải đối mặt để duy trì hoạt động, bà Hồ Thị Thu Uyên, giám đốc đối ngoại của Intel tại Việt Nam và Malaysia nói với Nikkei Asia hôm 21/8.

“Chúng tôi không chỉ nêu quan ngại mà còn đưa ra các giải pháp cho lãnh đạo thành phố như những khuyến nghị thiết thực thay vì giữ [các biện pháp hiện tại] qua ngày 15/9,” bà Uyên nói với Nikkei, và cho biết rằng gánh nặng tài chính cho việc thuê nhà ở của nhân viên là một trong những thách thức lớn.

Intel Products Vietnam, một đơn vị địa phương của tập đoàn này, có một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp trong Khu Công nghệ cao Sài Gòn ở TPHCM. Theo điều lệ phòng chống COVID của chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp sản xuất, “1.870 công nhân phải ở tại các khách sạn gần nhà máy,” theo bà Uyên cho biết. Bà nói với Nikkei rằng điều này khiến công ty phải chi trả thêm 140 tỷ đồng mỗi tháng và nếu công ty tiếp tục phải chi trả cho việc này sau 15/9 thì “nó sẽ không những ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách mà còn cả kế hoạch sản xuất”.

Các doanh nghiệp, trong đó có nhiều hãng xưởng cung cấp cho các công ty toàn cầu của Mỹ, được yêu cầu áp dụng quy định “3 tại chỗ” và “một cung đường 2 địa điểm”, tức chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở tập trung, gồm khách sạn hoặc ký túc xá.

Jabil Vietnam, một cơ sở ở địa phương của công ty dịch vụ sản xuất có trụ sở ở Mỹ, cũng có những quan ngại như Intel. Công ty này, theo truyền thông trong nước, cho biết rằng nhiều đối tác kinh doanh đã chuyển các đơn hàng sang các nước khác như Trung Quốc và Singapore do chi phí tăng cao từ việc thực hiện các biện pháp hạn chế này.

Làn sóng bùng phát dịch được cho là đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát ở Việt Nam do biến thể Delta làm gián đoạn sản xuất ở nhiều ngành nghề, gồm may mặc, sản xuất giày dép và đồ điện tử ở quốc gia Đông Nam Á làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất châu Á bởi chương trình vaccine bị cản trở do chính phủ chậm chễ trong việc mua thuốc tiêm chủng. Đến nay chỉ có khoảng dưới 2% trong số 98 triệu dân Việt nam được tiêm chủng đầy đủ.

“Hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất. Hàng trăm nghìn công nhân đã mất việc làm,” Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TPHCM, Võ Văn Hoan, nói tại cuộc họp hôm 20/8. “Nếu không có giải pháp kịp thời thì mối nguy đứt gãy chuỗi sản xuất là rất lớn.”

Mối quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tăng cao trước khả năng các biện pháp phong toả có thể kéo dài sau ngày 15/9 khi các ca lây nhiễm tiếp tục tăng chóng mặt, theo Nikkei. Chỉ riêng TPHCM chiếm hơn 1 nửa số ca lây nhiễm và 2/3 số ca tử vong của cả nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tại cuộc họp hôm 20/8, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài “kiên nhẫn và đặt niềm tin vào các chính sách của thành phố để đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên tối cùng ngày, ông Phong bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản “điều động” ra Hà Nội để giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Phòng Thương mại Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho biết trên trang Facebook sau khi ông Phong bị cho thôi giữ chức chủ tịch UBND TPHCM rằng “ông ấy rõ ràng đang cố gắng làm hết sức mình để bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của người dân TPHCM trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và sinh kế ở mức độ tốt nhất có thể,” theo Nikkei.

Để đối phó với tình trạng được cho là có nguy cơ “hỗn loạn” do đại dịch gây ra ở khu vực phía nam, Quốc hội Việt Nam vào tháng trước đã thông qua một nghị quyết cho phép Thủ tướng Phạm Minh Chính và chính phủ có quyền ra quyết định nhanh chóng trong thời gian đại dịch nhằm kiểm soát sự bùng phát của virus corona.

VOA Express

XS
SM
MD
LG