Đường dẫn truy cập

Ông Tập Cận Bình trấn an mối lo của châu Phi với Trung Quốc


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete trong cuộc đối thoại chính thức bàn về các vấn đề song phương tại Nhà Ngoại giao ở Dar es Salaam, 24/3/2013.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete trong cuộc đối thoại chính thức bàn về các vấn đề song phương tại Nhà Ngoại giao ở Dar es Salaam, 24/3/2013.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hợp tác với các nước châu Phi trên cơ sở bình đẳng, nhằm giảm bớt các lo âu tại châu Phi về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.

Hôm thứ Hai, trong bài diễn văn quan trọng nhắm đến người châu Phi đọc tại Dar es Salaam, trung tâm kinh tế của Tanzania, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đeo đuổi chính sách “bình đẳng giữa các quốc gia bất luận kích thước hoặc sức mạnh.” Ông cũng nói Trung Quốc chống đối “nước lớn ăn hiếp nước nhỏ và nước mạnh làm chủ nước yếu.”

Ưu tiên của châu Phi

Trước cử tọa gồm các nhân vật tai mắt của Tanzania, ông Tập Cận Bình hứa sẽ tăng cường quan hệ với các nước châu Phi và hứa cho các nước này vay 20 tỉ đôla trong hai năm tới. Nhưng ông cũng làm giảm nhẹ vai trò của Trung Quốc, bảo rằng châu lục này “thuộc về người châu Phi.”

Ông đã từng đến châu Phi năm lần. Sau khi rời Tanzania ông đi Nam Phi để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS, gồm năm nước mới trỗi dậy mạnh nhất, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Chuyến đi của ông sẽ chấm dứt tại Cộng hòa Congo.

Các lợi ich của Trung Quốc

Nhà phân tích Peter Pham của Atlantic Council nói rằng ông Tập Cận Bình có ý định tiếp tục xây dựng tại châu Phi những thành quả mà hai người tiền nhiệm của ông đã thực hiện:

“Ông Giang Trạch Dân bắt đầu tái giao thiệp với châu Phi sau một thời gian Trung Quốc tập trung vào cải cách. Ông Hồ Cẩm Đào sử dụng kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc để đầu tư thêm tại châu Phi, thay đổi chính sách trước đây, xem châu Phi là nơi tìm tài nguyên để có thêm thị phần về dịch vụ và công nghiệp.”

Gần một phần ba số dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ châu Phi, nhằm phục vụ cho nền kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng mua một số lượng khoáng sản lớn của châu Phi rất cần cho các ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc.

Để đổi lấy các tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc đã xây nhiều cơ sở hạ tầng tại châu Phi và tự xem mình là động lực tích cực cho sự phát triển và cuộc sống của châu Phi. Thương mại hai chiều đạt 200 tỉ đôla năm ngoái.

Quan hệ kinh tế tăng mạnh giữa Trung Quốc và châu Phi trong những năm gần đây làm nhiều người châu Phi e ngại hậu ý của Bắc Kinh.

Phản ứng sôi sục

Trên tờ Financial Times tháng này, ông Lamido Sanusi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria viết rằng cách làm ăn của Trung Quốc, lấy đi những loại hàng hóa chủ lực của châu Phi và bán sản phẩm cho châu Phi là “bản chất của chủ nghĩa thực dân.”

Ông David Shinn
Ông David Shinn
​Ông David Shinn, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Burkina Faso và Ethiopia nói rằng ít có giới chức châu Phi nào suy nghĩ như vậy:

“Đa số các giới chức châu Phi đều ủng hộ các chính sách của Trung Quốc tại châu Phi, nhưng Trung Quốc càng giao tiếp sâu đậm với châu lục này bao nhiêu, chúng ta càng có nhiều dịp để nghe những phát biểu như vậy, bởi vì càng nhiều hoạt động thì càng dễ bị phê phán.”

Hoạt động của Trung Quốc

Giáo sư Shinn, thuộc khoa Quan hệ Quốc tế của trường đại học Georgetown ở Washington nói khoảng một triệu người Trung Quốc đã định cư ở châu Phi, có người đã đến đó từ đầu thế kỷ 20:

“Nhưng hầu hết người Trung Quốc tại châu Phi bây giờ là người mới đến. Họ thường là những nhà buôn hoặc doanh nhân nhỏ, và thành phần này ngày càng tăng nhanh. Họ tạo ra những vấn đề về mặt cạnh tranh với người châu Phi.”

Các công ty Trung Quốc thực hiện các dự án phát triển ở châu Phi thường đưa người từ Hoa lục đến, khiến người châu Phi bực bội vì họ cũng muốn làm những công việc đó.

Patrick Chovanec, cựu giáo sư kinh tế tại trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói rằng có nhiều người châu Phi được các công ty Trung Quốc thuê mướn tỏ vẻ không hài lòng:

“Khi người Trung Quốc lập ra những cơ sở hầm mỏ hoặc các loại đầu tư khác ở châu Phi, đã có căng thẳng tại địa điểm lao động, nhiều lúc căng thẳng dẫn đến bạo động, nhất là tại Zambia, đã xảy ra va chạm giữa người lao động châu Phi và ban quản lý Trung Quốc vì có những khác biệt lớn về văn hóa giữa họ với nhau.”

Ngành dệt may ở Nigeria đã bị xóa sổ
Ngành dệt may ở Nigeria đã bị xóa sổ
Peter Pham, chuyên viên châu Phi của Atlantic Council nói rằng hàng hóa rẻ tiền của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Phi cũng làm nhiều người châu Phi thất nghiệp, đặc biệt là ngành dệt may ở miền bắc Nigeria:

“Đơn giản là các doanh nghiệp Nigeria phải đóng cửa vì không thể sản xuất với nhịp độ và giá cả giống như các doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, cá nhân người Nigeria có thể mua hàng rẻ, nhưng nguyên một ngành đã bị xóa sổ.”

Các lợi ích tại châu Phi

Peter Pham nói rằng một số vụ đầu tư của Trung Quốc có những lợi ích trực tiếp cho người châu Phi; ví dụ đường lộ, đường sắt để di chuyển khoáng sản, các nông dân châu Phi cũng được ăn theo.

Ông nói rằng Chủ tịch Trung Quốc cố trấn an người châu Phi rằng lợi ích của Trung Quốc tại châu Phi giúp cải tiến kinh tế của châu lục thay vì làm méo mó, một thách thức mà các đối tác truyền thống của châu Phi – Hoa Kỳ và châu Âu – đã từng đối mặt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG