Đường dẫn truy cập

Phần Lan, Thụy Điển nóng lòng gia nhập NATO, Mỹ thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Phần Lan và Thụy Điển ngày 28/6 bày tỏ lạc quan rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút lại sự phủ quyết đối với nỗ lực của hai nước muốn tham gia liên minh quân sự NATO tại thượng đỉnh ở Madrid, nơi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Tòa Bạch Ốc xác nhận ông Biden sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vào ngày 28/6 và kéo dài đến ngày 30/6, mặc dù không rõ ông Biden sẽ phá vỡ thế bế tắc hiện nay được bao nhiêu, ba nhà ngoại giao NATO cho biết.

Sau khi hạ cánh xuống Madrid, ông Erdogan đã hội đàm hơn hai giờ với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Hai tờ báo Phần Lan Helsingin Sanomat và Iltalehti đưa tin, với các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến tối ngày 28/6, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đã nhất trí chuẩn bị một bản ghi nhớ chung để giải quyết những lo ngại của Ankara về tư cách thành viên NATO của Helsinki và Stockholm.

Ông Biden, người cũng đã đến Madrid trước bữa ăn tối với các nhà lãnh đạo NATO, đã không trực tiếp đề cập vấn đề này trong các bình luận công khai của mình với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Quốc vương Tây Ban Nha Felipe.

Nhưng ông nhấn mạnh đến sự thống nhất của liên minh, nói rằng NATO “đã được củng cố như tôi tin rằng nó đã từng xảy ra.”

Các đồng minh khác, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha, đã gián tiếp thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ.

Cố gắng đoàn kết

Sự phản đối bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nỗ lực của hai nước Bắc Âu muốn gia nhập NATO, nếu thành công sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ, có nguy cơ làm lu mờ một hội nghị thượng đỉnh phấn đấu vì sự thống nhất khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.

Bà Niinisto của Phần Lan nói với các phóng viên tại Helsinki sáng ngày 28/6 rằng: “Quan điểm chung là các cuộc thảo luận đã diễn ra tốt hơn, điều đó có nghĩa là sự hiểu biết đã phần nào tăng lên ở cả hai bên”.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde còn đi xa hơn, nói với nhật báo Svenska Dagbladet rằng: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho trường hợp điều gì đó tích cực có thể xảy ra ngày hôm nay, nhưng cũng có thể mất nhiều thời gian hơn.”

Yêu cầu chính của Ankara là các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ các nhóm chiến binh người Kurd hiện diện trên lãnh thổ của họ và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Những điều kiện đó hiện đang là chủ đề trong các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ giữa lúc các đồng minh NATO cố gắng tăng tốc tiến trình gia nhập như một cách củng cố phản ứng của họ đối với Nga, đặc biệt là ở Biển Baltic, nơi tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển sẽ mang lại ưu thế quân sự cho liên minh.

Ở khu vực Bắc Âu rộng lớn hơn, Na Uy, Đan Mạch và ba quốc gia Baltic đã là thành viên NATO. Cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga vào Ukraine, mà Moscow gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt,” đã giúp đảo ngược nhiều thập kỷ Thụy Điển phản đối việc gia nhập NATO.

Không sớm thì muộn

Trước khi lên đường tới Madrid, ông Erdogan giữ vững lập trường của mình, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn hành động chứ không phải lời nói, để giải quyết mối quan ngại của họ, đồng thời nói thêm rằng ông cũng sẽ thúc đẩy ông Biden về việc mua máy bay phản lực chiến đấu F-16.

“Chúng tôi muốn kết quả. Chúng tôi chán ngấy việc chuyền bóng ở khu vực giữa sân”, ông nói tại sân bay Ankara.

Ông Erdogan cho biết ông đã nói chuyện với ông Biden vào sáng ngày 28/6 trước cuộc họp dự kiến ở Madrid và sẽ giải thích lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh và trong các cuộc gặp song phương.

Ông nói ông sẽ thảo luận với ông Biden về vấn đề Ankara mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga - điều đã dẫn đến các chế tài của Mỹ - và về đề nghị muốn mua 40 máy bay phản lực F-16 và bộ dụng cụ hiện đại hóa từ Washington cũng như các vấn đề song phương khác.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi NATO tập trung hơn vào “cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức”, điều này “cũng có giá trị đối với các nước nộp đơn.”

Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez, đứng cùng với ông Stoltenberg, cho biết NATO không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới 1.300 km với Nga và Thụy Điển.

“Chúng tôi tin chắc rằng, nếu không phải bây giờ thì là sau này, nhưng cuối cùng họ sẽ tham gia liên minh Đại Tây Dương”, Thủ tướng Tây Ban Nha nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG