Đường dẫn truy cập

Putin hoãn tới vì Việt Nam chưa kịp bầu chủ tịch nước?


Ông Putin đọc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón trong một chuyến thăm đến Việt Nam
Ông Putin đọc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón trong một chuyến thăm đến Việt Nam

Trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào hỗn loạn do đấu đá nội bộ và nước này vẫn chưa bầu ra chủ tịch nước mới, chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ không thành hiện thực sau khi ông kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, đài DW của Đức đưa tin.

Ông Putin vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Trung Quốc hôm 18/5 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 để tiếp tục thể hiện tình hữu nghị giữa Moscow và Bắc Kinh.

Trước đó, nhiều tin đồn cho rằng sau khi rời Bắc Kinh, ông Putin sẽ đến Hà Nội trước khi bay về Moscow. Nhưng Hà Nội lại đang bận bịu với đấu đá chính trị trong nước.

Người đồng cấp để đón và hội đàm với Tổng thống Nga sẽ là chủ tịch nước Việt Nam, nhưng vị trí này đang bị để trống sau khi hai vị chủ tịch nước đều từ chức liên tiếp trong vòng có hơn một năm mà mới nhất là ông Võ Văn Thưởng hồi tháng Ba.

Hôm 20/5, Quốc hội Việt Nam đã nhóm họp để bầu ra Chủ tịch Quốc hội mới nhưng phải đến sáng ngày 22/5, Quốc hội mới bầu tân Chủ tịch nước, dự kiến sẽ là đương kim Bộ trưởng Công an Tô Lâm, truyền thông trong nước đưa tin.

Do đo, nếu ông Putin đến Việt Nam vào ngày 18/5 thì ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người sẽ đón tiếp và hội đàm với ông Putin sẽ là quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Chính vì vậy, việc ông Putin đến Việt Nam sau khi đến thăm Trung Quốc đã trở nên không khả dĩ.

Hôm 15/5, ông Gennady Stepanovich Bezdetko, đại sứ Nga tại Việt Nam, đã nói với báo chí trong nước rằng ông Putin sẽ đến thăm Việt Nam ‘trong tương lai gần’ nhưng chưa xác định ngày giờ cụ thể, tờ Tuổi Trẻ cho biết.

Hồi tháng Ba Việt Nam đã từng phải hoãn chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan ‘vì lý do nội bộ’ trong lúc có những tin đồn về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sắp ra đi.

Việt Nam đã bỏ phiếu trắng đối với hầu hết các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án hành vi xâm lược của Nga vào Ukraine và vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ với Moscow bất chấp sự vận động của các nước châu Âu.

Nga là một trong những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sớm nhất với Việt Nam. Hà Nội từ lâu đã hợp tác chặt chẽ với Nga trong lĩnh vực thăm dò dầu khí và mua bán vũ khí.

Tháng 10 năm ngoái, cựu Chủ tịch Võ Văn Thương đã gặp ông Putin tại Bắc Kinh tại Thượng đỉnh về Vành đai-Con đường. Hồi tháng Ba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin thăm cấp nhà nước.

Mỹ và EU đang cố gắng đẩy mạnh trừng phạt Nga và trấn áp các nước nào tìm cách lách các biện pháp trừng phạt để hỗ trợ Nga, nhất là những nước tái xuất khẩu thiết bị quân sự hoặc kỹ thuật cho Nga.

Trong số đó có thể có cả Việt Nam, theo DW. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao châu Âu nói với đài này rằng các nước phương Tây rất khó đánh giá liệu Hà Nội có hỗ trợ gì cho Nga hay không.

Ông David O'Sullivan, đặc phái viên EU về việc thực thi các biện pháp trừng phạt, lẽ ra đã gặp các quan chức Việt Nam hôm 13/5 nhưng sự kiện này đã bị Hà Nội hoãn lại chỉ vài ngày trước khi nó diễn ra.

“Chúng tôi thất vọng vì chuyến thăm (của ông David O'Sullivan) đã không thể diễn ra lần này và đang thảo luận với giới chức Việt Nam về ngày giờ thuận tiện trong tương lai gần,” một phát ngôn nhân của EU nói với DW.

Đầu tháng này, Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao cho biết chuyến thăm dự kiến của ông O'Sullivan đã bị hủy bỏ vì nó có thể sẽ ‘làm hỏng’ chuyến công du của ông Putin. Giờ đây nó dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7.

Việc hoãn chuyến thăm của ông Putin có thể là do Việt Nam ngần ngại về về hậu quả ngoại giao với phương Tây, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, DW cho biết. Nhưng đài này dẫn hai nguồn tin từ EU và Việt Nam cho biết rằng nhiều khả năng là do bất ổn chính trị của Hà Nội.

Chỉ trong vòng hai tháng, hết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rồi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và mới đây nhất Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai đều bị mất chức vì ‘vi phạm quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm’.

Bất ổn chính trị này bắt nguồn từ chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động hồi năm 2016 mà giờ đây đã trở thành đấu đá nội bộ của Đảng.

Khi ông Trọng dự kiến sẽ về hưu vào năm 2026, Đảng sẽ phải tìm ra người kế nhiệm ông, và do đó mà những ứng cử viên tiềm đang tìm cách triệt hạ đối thủ và phe phái khác để đảm bảo các vị trí hàng đầu cho chính họ đồng minh, DW dẫn lời các nhà phân tích cho biết.

“Chừng nào hỗn loạn chính trị ở Hà Nội còn tiếp tục, khó có khả năng ông Putin sẽ đến thămViệt Nam", ông Ian Storey, học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được DW dẫn lời nói.

Qua đường trao đổi riêng tư, chính phủ Việt Nam có thể đã nói với phía Nga rằng lúc này là không phù hợp vì vị trí chủ tịch nước hiện bỏ trống, DW dẫn một nguồn tin ngoại giao EU cho biết. Điều đó có nghĩa là người chính thức tiếp đón ông Putin sẽ không rõ ràng.

Dù sao đi nữa, việc Việt Nam không đón ông Putin sẽ điều mà Brussels hoan nghênh. Ông Putin đến Hà Nội sẽ đẩy EU vào thế khó nếu họ phải lên án một đối tác thương mại quan trọng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG