Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách ‘theo dõi’ về buôn người


Bà Cindy Dyer, đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về nạn buôn người và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu công bố cáo báo buôn người năm 2024, ngày 24/6/2024.
Bà Cindy Dyer, đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về nạn buôn người và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu công bố cáo báo buôn người năm 2024, ngày 24/6/2024.

Hôm 24/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình buôn người 2024, theo đó Việt Nam chỉ còn bị xếp hạng Cấp độ 2 (Tier 2) và không còn nằm trong danh sách bị ‘theo dõi’ nữa. Mặc dù vậy, Washington vẫn còn quan ngại về việc Hà Nội chưa điều tra các quan chức chính quyền đồng lõa với tội phạm buôn người.

“Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để thực hiện điều đó”, bản báo cáo viết.

Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê các chi tiết được cho là còn hạn chế của chính phủ Việt Nam trong hoạt động chống buôn người (TIP) gồm: Chính phủ không báo cáo một cách chủ động hoặc sàng lọc đều đặn, xác định hoặc cung cấp các dịch vụ chuyên biệt cho nạn nhân bị buôn bán phải lao động hoặc bán dâm trong số những người hồi hương; Chính phủ không báo cáo bất kỳ cuộc điều tra, truy tố hoặc kết án nào đối với các nhân viên chính quyền đồng lõa với tội phạm buôn người.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cho rằng nhà chức trách Việt Nam đã kiểm tra hàng nghìn cơ sở có nguy cơ cao nhất về buôn bán tình dục nhưng không đưa ra báo cáo chính thức hay xác định danh tính nạn nhân nào, mặc dù chính phủ cho biết đã bắt giữ một số lượng đáng kể những kẻ bị tình nghi buôn bán tình dục tại những địa điểm đó.

Trong báo cáo mới về nạn buôn người (TIP), Washington nhận thấy “có sự gia tăng những nỗ lực tổng thể” đối với việc phòng chống nạn buôn người tại Việt Nam, bao gồm việc đệ trình luật chống buôn người lên cơ quan lập pháp để xem xét, tăng cường truy tố và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn.

Hồi năm 2022, Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào cấp bậc thấp nhất của báo cáo là Cấp 3 (Tier 3), do một tùy viên về lao động Việt Nam và một nhân viên khác ở Ả rập Xê út bị cáo buộc đã trực tiếp tạo điều kiện cho việc cưỡng bức lao động đối với một số công dân Việt Nam.

Vụ việc này được đưa ra ánh sáng sau khi một thiếu nữ Việt Nam được đưa đến làm việc ở Ả rập Xê út và người này đã chết sau khi bị chủ xâm hại.

Tuy nhiên, vào năm 2023, Mỹ đưa Việt Nam sang danh sách Cấp độ 2 Theo dõi về TIP (Tier 2 Watch List).

Hồi tuần trước, tổ chức nhân quyền Project88 (Dự án 88) cáo buộc chính quyền Việt Nam chỉ thị cho các quan chức nước này che giấu thông tin đối với phía Mỹ để vẽ ra những nỗ lực giải quyết nạn buôn người một cách tích cực hơn trong lúc Việt Nam đang cố gắng được nâng hạng trong phúc trình của Mỹ, theo Reuters.

Tổ chức Project88 có trụ sở tại Mỹ, vốn tập trung vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, cáo buộc Hà Nội đưa thông tin sai lệch và cố gắng che đậy các vụ buôn người có dính đến quan chức khi cập nhật cho các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách phúc trình TIP.

Chính quyền Việt Nam thường nói rằng họ “kiên quyết đấu tranh chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và buôn bán người”.

Bà Cindy Dyer, đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về nạn buôn người, nói với các phóng viên rằng các quan chức đã xem xét nhiều thông tin, bao gồm cả từ các nhóm xã hội dân sự, trong quyết định nâng cấp Việt Nam, theo Reuters hôm 24/6.

Bà Dyer nói: “Chúng tôi chắc chắn lưu ý rằng có những lĩnh vực cần cải thiện, cũng như ở mọi quốc gia”.

Khi được hỏi liệu các mối quan tâm chiến lược của Hà Nội và Washington sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm ngoái có đóng vai trò trong quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách bị theo dõi về TIP hay không, bà Dyer đáp lại rằng các quan chức Mỹ đưa ra “các đánh giá khách quan nhất có thể” khi nói đến bảng xếp hạng TIP, vẫn theo Reuters.

Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách bị theo dõi một phần vì nước này đã tiến hành tố tụng hình sự đối với hai quan chức trong vụ Ả rập Xê út như nêu trên, theo Reuters.

Báo cáo năm nay của Mỹ viết rằng cuộc điều tra này đã kết thúc và nhà ngoại giao Việt Nam có liên quan đã được phục hồi chức vụ trong chính quyền.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo TIP mới nhất của chính phủ Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

Như vậy đây là năm thứ hai liên tiếp, thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo thường niên về TIP của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã được cải thiện và hiện nay quốc gia này đã thoát khỏi danh sách đen về buôn người tồi tệ nhất ở châu Á, mà những nước bị Washington xếp hạng vào nhóm kém nhất bao gồm Trung Quốc, Campuchia, Myanmar và Triều Tiên.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG