Đường dẫn truy cập

Quan hệ Mỹ-Nga: Từ 'thiết định lại' đến thụt lùi


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama họp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Yokohama, Nhật Bản ngày 14 tháng 11, 2010
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama họp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Yokohama, Nhật Bản ngày 14 tháng 11, 2010
Quan hệ Mỹ-Nga: Từ “khởi động lại” đến thụt lùi

WASHINGTON—5 năm trước đây, chính quyền Tỗng thống Obama đã tìm kiếm một sự "khởi động lại" trong quan hệ với Nga. Nhưng trong vài năm qua, quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi.

Cái gọi là "khởi động lại" trong quan hệ Mỹ-Nga đã mang lại kết quả cụ thể, chẳng hạn như một hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược quan trọng làm giảm số lượng vũ khí tầm xa.

Trong một ví dụ khác về sự hợp tác, các nhà phân tích chỉ ra lập trường cứng rắn hơn của Moskva về vấn đề Iran. Tại Liên Hiệp Quốc Nga đã bỏ phiếu áp đặt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Tehran về chính sách vũ khí hạt nhân của nước này.

Moskva cũng cho phép lực lượng của Mỹ quá cảnh qua Nga khi tiến vào và rời khỏi Afghanistan - một bước quan trọng khi binh sĩ tham chiến của Mỹ giảm dần sự hiện diện tại quốc gia này.

Và Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ.

Các nhà phân tích nói "khởi động lại" chính là giai đoạn đầu tiên trong việc thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn giữa Washington và Moskva. Nhưng họ nói những mối bất đồng to lớn đã làm chệch hướng nỗ lực bắt đầu giai đoạn thứ hai. Thực tế là quan hệ giữa Washington và Moskva, theo các chuyên gia, đang xấu đi.

Một lý do là sự ủng hộ không suy suyển của Nga đối với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad.

Giáo sư Robert Legvold của Đại học Columbia nói rằng sự ủng hộ của Moskva đối với Assad là một phần trong một nhóm những vấn đề lớn hơn khiến Mỹ và Nga xa cách:

"Mỹ lâu nay, từ thời chính quyền Bush và cả chính quyền Obama, vẫn tin rằng cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm khi có những vi phạm nhân quyền thậm tệ. Nga, cũng như Trung Quốc và thêm cả Ấn Độ, hết sức gắn bó với tư tưởng rằng thế giới bên ngoài không nên can thiệp vào những vấn đề trong nước, cho dù những vấn đề đó xấu tới mức nào đối với người dân ở những khu vực này."

Một lĩnh vực bất đồng khác là kiểm soát vũ khí.

Ông Matthew Rojansky của Trung tâm Wilson cho biết Mỹ muốn cắt giảm nhiều hơn nữa những đầu đạn đạn đạo tầm xa – nhiều hơn so với những gì mà Hiệp ước START mới áp đặt:

"Tôi không cho rằng những cắt giảm sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama. Người Nga chẳng quan tâm mấy tới điều đó, nhất là khi Mỹ cũng không sẵn sàng đưa những vấn đề mà phía Nga quan tâm ra thảo luận – chẳng hạn như những hạn chế về hệ thống phòng thủ phi đạn đạn đạo hoặc vũ khí trên không gian, vũ khí trên mạng."

Một điều gây xích mích trong quan hệ Mỹ-Nga, theo ông Robert Legvold, là vụ việc của Edward Snowden, cựu nhà thầu Cơ quan An ninh Quốc gia NSA được cho phép tị nạn tạm thời ở Nga:

"Ngay từ đầu Nga không phải là không bằng lòng về những gì mà Snowden đã làm. Họ biết dùng Snowden và cái cách mà chính phủ Mỹ phản ứng về anh ta để phản bác chỉ trích của Mỹ về những chính sách đối nội, việc đàn áp tự do phát biểu và nhiều những vấn đề khác của Nga. Ông Putin chắc có lẽ sẽ bằng lòng hơn nếu Snowden cứ tiếp tục cuộc sống và điều đó không trở thành vấn đề khiến Mỹ nhất quyết đòi Nga phải đóng một vai trò quan trọng trong việc trao trả Snowden về Mỹ."

Ông Rojansky của Trung tâm Wilson nói rằng trong lịch sử, mối quan hệ Mỹ-Nga được thúc đẩy bởi mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo: khi các nhà lãnh đạo không tin tưởng nhau, quan hệ hai nước xấu đi, và ngược lại.

"Với ông Bush và ông Putin mối quan hệ mang quá nhiều tính chất khủng hoảng với khủng hoảng, yêu-ghét rạch ròi, quá nhiều thái cực cao thấp trong nhận thức của họ với nhau. Trong khi đó, ông Obama và ông Medvedev có mối quan hệ rất ổn định, một sự tôn trọng lẫn nhau từ cả 2 phía mà ông Obama và ông Putin không hề có. Tôi nghĩ rằng thực tế là có sự bất tín thẳng thừng từ cả hai phía và sự thiếu tôn trọng."

Ông Rojansky nói hầu hết những quan tâm và phản đối của Nga chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia của Moskva, mà trong một số trường hợp, đi ngược lại với lợi ích của Mỹ. Nhưng ông Rojansky nói rằng mặc dù có những khác biệt, đối thoại giữa hai nước phải tiếp tục:

"Không có lựa chọn nào khác, phải đối thoại với họ. Một trong những sai lầm lớn mà ông Bush mắc phải vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình là đã công khai nói với Nga rằng, họ không hiểu được lợi ích của chính họ, không biết cái gì là tốt cho mình. Đó chính là một cách dẹp bỏ đối thoại và họ sẽ chẳng bao giờ xem Mỹ ra gì sau vụ việc đó."

Nhiều chuyên gia cho rằng suốt nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Obama, quan hệ Mỹ-Nga sẽ chỉ vượt qua cho xong việc – với việc chẳng nhà lãnh đạo nào dốc sức để thúc đẩy mối quan hệ tiến lên phía trước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG