Đường dẫn truy cập

Quyền lực và trách nhiệm


Bản chất của chính trị là quan hệ quyền lực. Quyền lực, nói một cách tóm tắt, là khả năng ảnh hưởng đến cách suy nghĩ cũng như hành vi của người khác. Trong hệ thống đẳng cấp của chính trị, chức vụ càng lớn, quyền lực càng nhiều; quyền lực càng nhiều, ảnh hưởng trên suy nghĩ và hành vi của người khác càng sâu và rộng. Ở vị trí cao nhất trong một quốc gia, ảnh hưởng ấy có thể tác động đến mọi công dân trong nước ấy. Ở Tây phương, hầu như ai cũng biết: Khi thay đổi lãnh tụ, chúng ta thay đổi chính phủ; và khi thay đổi chính phủ, chúng ta thay đổi cả quốc gia.

Về phương diện chính trị, có nhiều loại quyền lực, nhưng đơn giản và phổ biến nhất, có hai loại chính: quyền lực chính đáng và quyền lực không chính đáng. Quyền lực chỉ được xem là chính đáng khi nó được dân chúng ủy thác: Lúc ấy, quyền lực (power) biến thành thẩm quyền (authority).

Có thể nói thẩm quyền là thứ quyền lực được sự đồng thuận giữa người cai trị và những người bị trị. Hình thức phổ biến nhất của sự đồng thuận ấy là qua các cuộc bầu cử tự do, bình đẳng, công khai và minh bạch.

Tuy nhiên, dù được tiến hành dưới hình thức nào thì mọi quyền lực và mọi thẩm quyền đều phải đáp ứng được một số điều kiện dân chủ, trong đó, quan trọng nhất là giới hạn và trách nhiệm. Cái gọi là giới hạn ấy có hai khía cạnh chính: một là giới hạn về thời gian (có tính chất nhiệm kỳ, không phải vĩnh viễn, cha truyền con nối) và giới hạn của chính quyền lực (phải chấp nhận phân quyền và chịu sự kiểm soát của các cơ quan độc lập). Những điều này đã có nhiều người viết. Ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào yếu tố trách nhiệm.

Nếu bản chất của quyền lực, dưới các chế độ dân chủ, là sự đồng thuận thì hai cơ sở chính để duy trì sự đồng thuận ấy là: sự tín nhiệm và trách nhiệm. Nói đến tín nhiệm là nói đến một thứ quan hệ nhiều chiều, nhưng trong đó, chiều quan trọng nhất là chiều từ dưới lên: những người bị trị tín nhiệm những người cai trị. Trách nhiệm, ngược lại, chủ yếu là theo chiều từ trên xuống: những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm về chính quyền lực của mình, và với những người đã ủy thác quyền lực ấy cho mình.

Quyền lực không phải là một cái gì có tính chất tự thân: quyền lực vì quyền lực. Mọi quyền lực chính đáng đều có tính mục đích: quyền lực để làm một cái gì. Dưới chế độ độc tài, cái gì đó là bản thân người và/hoặc gia đình người có quyền lực; dưới chế độ dân chủ, cái gì đó là những mục tiêu chung mà mọi người tin tưởng và giao phó, thuộc về cộng đồng, hay rộng hơn, quốc gia. Những mục tiêu chung ấy chính là trách nhiệm.

Có thể nói, quyền lực chỉ chính đáng trong chừng mực nó gắn liền với trách nhiệm và chu toàn trách nhiệm. Một nhà lãnh đạo lý tưởng phải nhắm đến trách nhiệm nhiều hơn là quyền lực. Ở Việt Nam, ngược lại, với quyền lực, người ta muốn tuyệt đối (độc quyền lãnh đạo), nhưng với trách nhiệm, người ta lại muốn chia sẻ (trách nhiệm tập thể). Hậu quả là không ai chịu trách nhiệm về điều gì cả, ngay cả với những sai lầm của chính mình và/hoặc thuộc quyền hạn của mình.

Tất cả những điều ấy, người ta đều thấy từ lâu. Vụ thất thoát tài sản đến cả mấy tỉ đô la của tập đoàn kinh tế Vinashin: Không ai chịu trách nhiệm cả. Các vụ vỡ nợ liên tục của các tập đoàn kinh tế quốc doanh khác sau đó: Không ai chịu trách nhiệm cả. Kinh tế càng lúc càng suy thoái: Không ai chịu trách nhiệm cả. Nạn tham nhũng càng ngày càng phát triển từ một số con sâu đến cả một “bầy sâu”: Không ai chịu trách nhiệm cả. Đạo đức ở khắp mọi nơi càng ngày càng suy đồi: Không ai chịu trách nhiệm cả. Giáo dục càng ngày càng xuống dốc: Không ai chịu trách nhiệm cả.

Mới đây, gây xôn xao dư luận trong nước nhiều nhất là những chuyện liên quan đến ngành y tế: Nhiều bác sĩ, vì bất cẩn và thiếu đạo đức, làm chết hàng loạt bệnh nhân, trong đó có các sản phụ và trẻ em, thậm chí, một bác sĩ thẩm mỹ ở Hà Nội làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang. Trách nhiệm thuộc về ai? Không có ai nhận cả. Mọi người cứ đổ lỗi cho nhau. Dân chúng bức xúc đến độ, lần đầu tiên trên báo chí chính thống (PetroTimes) trong nước, có người kêu gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức.

Có lẽ, cuối cùng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tiếp tục làm Bộ trưởng. Như tất cả những nhà lãnh đạo khác của Việt Nam từ trước đến nay. Vô trách nhiệm đến mấy, cái ghế của họ vẫn bất khả xâm phạm, dù cái giá mà họ và đảng họ phải trả rất đắt: Càng ngày càng mất sự tín nhiệm của dân chúng.

Không có trách nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cắp. Không có sự tín nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cướp. Không có cả hai, người ta vừa ăn cắp vừa ăn cướp.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG