Đường dẫn truy cập

Chính quyền Obama tái thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp ước luật biển


Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta phát biểu tại Diễn đàn về hiệp ước Luật biển ở Washington, 9/5/2012
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta phát biểu tại Diễn đàn về hiệp ước Luật biển ở Washington, 9/5/2012

Chính quyền Obama bắt đầu thúc đẩy mới để Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn hiệp ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Các giới chức chính quyền nói hiệp ước này là điều cần thiết để bảo vệ quyền của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện những cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Thông tín viên Ngũ Giác Đài của Đài VOA Luis Ramirez tường trình.

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói với các nhà lập pháp và những người khác về hiệp ước này vào hôm thứ Tư tại Washington rằng bây giờ là lúc Hoa Kỳ phê chuẩn hiệp ước đã được ký cách đây 30 năm, qui định những qui tắc về hải hành và những khu đặc quyền kinh tế.

Ông Panetta nói hiệp ước sẽ đảm bảo là những chiến hạm, những thương thuyền và máy bay của Hoa Kỳ được đi đến những nơi nào cần đến.

Bộ trưởng Panetta nói: “Thời điểm đã đến để Hoa Kỳ ngồi xuống ký kết. Thời điểm đã đến để Hoa Kỳ xác quyết vai là một nhà lãnh đạo trên thế giới và gia nhập vào hiệp ước quan trọng này. Đây là một công cụ pháp lý căn bản qui định trật tự công cộng trong lãnh vực hàng hải. Chúng ta là thành viên thường trực duy nhất của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không phải là một thành viên của hiệp ước này.”

Chính quyền Obama nói phê chuẩn hiệp ước sẽ bảo vệ quyền của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện những cuộc tập trận trên biển gần Trung Quốc, nơi trong quá khứ những chiến hạm Trung Quốc quấy nhiễu những tàu thuyền của Hoa Kỳ.

Trung Quốc, một thành viên của hiệp ước, tuyên bố kiểm soát khu đặc quyền kinh tế từ bờ biển ra ngoài khơi 370 kilômét và do đó có thể cấm hải quân các nước tập trận tại khu vực này. Hoa Kỳ nói không có việc kiểm soát cách bờ biển hơn 22 kilômét.

Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đại tướng Martin Dempsey, nói Washington tin là gia nhập hiệp ước Luật biển sẽ giúp nối kết những khác biệt quốc tế.

Ông nói: “Hiệp ước cho chúng ta một công cụ khác để giải quyết hữu hiệu những tranh chấp tại mọi mức độ. Hiệp ước cung cấp một tiếng nói chung và do đó có một cơ hội tốt để giải quyết những tranh chấp bằng sự hợp tác thay vì bằng đại bác.”

Việc Hoa Kỳ phê chuẩn hiệp ước bị đình trệ vì những mối quan tâm của một số các nhà lãnh đạo trong Quốc hội cảnh báo là hiệp ước đe dọa chủ quyền Hoa Kỳ và trao cho Liên Hiệp Quốc nhiều kiểm soát về quyền dầu mỏ và những khoáng sản khác. Những người chống lại hiệp ước nói việc phê chuẩn hiệp ước sẽ không làm cho Trung Quốc thay đổi tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này.

Hoa Kỳ thúc đẩy việc chuẩn nhận hiệp ước trong lúc Ngũ Giác Đài mới quay sang chú trọng vào việc Trung Quốc củng cố quân đội và bành trướng ảnh hưởng tại vùng châu Á-Thái Bình Dương. Washington đã chú trọng nhiều đến những tranh chấp leo thang giữa Bắc Kinh và Philippines về một hòn đảo tại biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG