Đường dẫn truy cập

Serbia long trọng đón tiếp TT Nga dự lễ kỷ niệm ngày giải phóng Belgrade


Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ tiếp đoán ông Putin. 16/10/14
Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ tiếp đoán ông Putin. 16/10/14

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Serbia với tư cách khách mời danh dự tại một cuộc diễu hành quân sự ở Belgrade, kỷ niệm 70 năm thành phố này được Hồng quân giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.

Với nghi thức tiếp đón rầm rộ và được xem là có lợi cho hình ảnh của ông Putin ở nhà, chuyến thăm này phần nào thể hiện tình thế lưỡng nan cho Serbia, một mặt nỗ lực trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, và mặt khác cảm thấy có nghĩa vụ phải thể hiện sự kính nể đối với một đồng minh lịch sử mà nước này có chung tín ngưỡng Chính thống và những giá trị bảo thủ.

Tình thế lưỡng nan của Serbia càng trở nên trầm trọng thêm bởi sự cô lập quốc tế của Nga vì cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, nơi Moscow bị nhiều nước coi là giật dây và trực tiếp hỗ trợ cuộc bạo loạn ly khai trong nỗ lực gây bất ổn ở Ukraine vì từ bỏ quan hệ với Moscow chọn đi theo con đường thân Âu.

"Serbia sẽ không thỏa hiệp những chuẩn mực đạo đức của mình với bất kỳ hành vi xấu nào đối với Nga," Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic nói với ông Putin hôm thứ Năm sau khi hai người đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm lính Liên Xô tử trận ở thủ đô Belgrade.

Serbia đã từ chối đặt bút ký chấp thuận những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga về vấn đề Ukraine, bất chấp sức ép của EU nhằm định hướng chính sách đối ngoại của Serbia theo khối 28 quốc gia mà Serbia hy vọng sẽ gia nhập.

Về phần mình, ông Putin cam đoan với nước chủ nhà rằng Nga "sẽ luôn xem Serbia là đồng minh thân cận nhất của chúng tôi."

Cuộc diễu hành kỷ niệm sự kiện giải phóng Belgrade diễn ra lần đầu tiên ở Serbia sau gần 30 năm.

Đại sứ Mỹ tại Serbia, Michael Kirby, được mời đến dự sự kiện này nhưng đại sứ quán Mỹ nói rằng ông sẽ không tham dự.

Khủng hoảng Ukraine

Từ Belgrade, ông Putin sẽ đến dự một hội nghị thượng đỉnh Á-Âu tại Italia, nơi cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine dự kiến sẽ chiếm lĩnh chương trình nghị sự.

Trong cuộc họp kéo dài hai ngày tại Milan, nhà lãnh đạo Nga sẽ có một loạt các cuộc hội đàm với các đối tác châu Âu, bắt đầu từ cuối ngày thứ Năm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Vào ngày thứ Sáu, ông sẽ tham gia cuộc họp dùng bữa sáng với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và các nhà lãnh đạo châu Âu khác.

Các cuộc đàm phán có thể sẽ tập trung vào thỏa thuận ngừng bắn chông chênh ở miền đông Ukraine giữa lực lượng chính phủ và phiến quân thân Nga, cũng như việc tiếp tục cấp khí đốt thiên nhiên của Nga sang Ukraine. Moscow đã cắt khí đốt cho nước láng giềng này hồi tháng 6, với lý do mà họ đưa ra là Ukraine chưa thanh toán hóa đơn năng lượng hơn 5 tỉ USD.

Vụ tranh chấp cũng có thể ảnh hưởng đến những đợt cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu trong mùa đông sắp tới. Châu Âu nhận một phần ba nhu cầu khí đốt từ Nga mà khoảng một nửa trong số đó đi qua đường ống ở Ukraine.

Phát biểu về vấn đề này ở Belgrade, ông Putin cho biết Nga sẽ giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu phát hiện Ukraine dùng nhờ lượng khí này để trang trải cho nhu cầu riêng của mình. Nhưng ông nói thêm rằng ông "hy vọng" tình hình sẽ không đến mức đó.

Trong một động thái diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh ở Milan, Tổng thống Putin đầu tuần này đã ra lệnh cho hơn 17.000 binh sĩ rút khỏi một khu vực gần biên giới Ukraine. Kiev, cùng với các đồng minh phương Tây vốn đã lên tiếng cáo buộc Nga gửi những đơn vị quân đội và vũ khí vào lãnh thổ Ukraine, cho biết họ đã chưa nhìn thấy bất kỳ sự dịch chuyển quân đội đáng kể nào.

Nga vẫn khăng khăng phủ nhận sự hiện diện của quân đội nước này ở Ukraine, trong khi những thủ lĩnh phiến quân ly khai nói rằng họ đã nhận được sự trợ giúp của lính Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG