Đường dẫn truy cập

Thêm nghiên cứu cho thấy tiêm tăng cường giúp bảo vệ trước Omicron


Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC hiện khuyến nghị tiêm tăng cường cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC hiện khuyến nghị tiêm tăng cường cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên.

Ba nghiên cứu được công bố hôm 21/1 ở Mỹ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 có khả năng chống lại biến thể Omicron, ít nhất là đối với những người đã được tiêm tăng cường.

Các quan chức y tế nói đây là những nghiên cứu lớn đầu tiên của Mỹ xem xét khả năng bảo vệ của vaccine chống lại Omicron.

Các nghiên cứu này đưa tới kết luận tương tự như những nghiên cứu trước đó - bao gồm các nghiên cứu ở Đức, Nam Phi và Anh - chỉ ra rằng các loại vaccine hiện có ít hiệu nghiệm hơn đối với Omicron so với các biến thể trước đó của virus corona, nhưng cũng cho thấy liều tăng cường làm tăng các kháng thể chống virus để tăng cơ hội tránh bị nhiễm bệnh có triệu chứng.

Nghiên cứu đầu tiên xem xét các ca nhập viện và các ca đến phòng cấp cứu và các trung tâm chăm sóc y tế khẩn cấp ở 10 tiểu bang, từ tháng 8 đến tháng này.

Nghiên cứu cho thấy công hiệu của vaccine đạt mức cao nhất sau ba liều vaccine của Pfizer hoặc Moderna và người nhiễm không cần tới trung tâm chăm sóc y tế khẩn cấp hay phòng cấp cứu. Mức độ bảo vệ giảm từ 94% trong đợt lây nhiễm Delta xuống 82% trong đợt lây nhiễm Omicron. Mức bảo vệ chỉ với hai liều xuống thấp hơn, đặc biệt nếu sáu tháng đã trôi qua kể từ liều thứ hai.

Nhà chức trách y tế đã nhấn mạnh mục tiêu không chỉ là ngăn ngừa nhiễm virus mà còn cả ngăn ngừa bệnh nặng. Nghiên cứu cũng mang lại tin vui: Liều thứ ba hiệu nghiệm ít nhất 90% trong việc ngăn ngừa nhập viện do COVID-19, với cả hai đợt lây nhiễm Delta và Omicron.

Nghiên cứu thứ hai tập trung vào tỉ lệ các ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở 25 tiểu bang từ đầu tháng 4 đến Giáng sinh. Những người được tiêm tăng cường có mức độ bảo vệ cao nhất chống lại sự lây nhiễm của virus corona, cả trong khoảng thời gian Delta lấn át về số ca nhiễm lẫn khi Omicron ‘soán ngôi.’

Hai nghiên cứu đó đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC công bố trực tuyến.

Chuyên san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công bố nghiên cứu thứ ba, cũng do các nhà nghiên cứu CDC dẫn đầu, xem xét những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 từ ngày 10 tháng 12 đến ngày 1 tháng 1 tại hơn 4.600 địa điểm xét nghiệm trên khắp Mỹ.

Ba mũi vaccine của Pfizer và Moderna có mức độ hiệu nghiệm 67% chống lại bệnh có triệu chứng liên quan đến Omicron so với những người không được chủng ngừa. Tuy nhiên, hai liều gần nhưng không có tác dụng bảo vệ đáng kể đối với Omicron khi được đo lường vài tháng sau khi hoàn tất loạt ban đầu, các nhà nghiên cứu nhận thấy.

“Dữ liệu cho thấy liều tăng cường hiệu nghiệm tới mức nào trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện vì biến thể Omicron,” bác sĩ Phước Lê, giáo sư thuộc Trường Y Đại học California-San Francisco, nói với VOA.

“Tôi hết sức khuyến khích cộng đồng người Việt tiêm ngừa tăng cường nếu họ chưa nhận được mũi thứ ba,” ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Đông Quan, một chuyên gia y tế đang giảng dạy Trường Y Đại học Stanford, California, nói tác dụng lớn nhất của mũi tiêm tăng cường là khiến bệnh tình bớt nghiêm trọng hơn và vì thế giảm các ca nhập viện. Ông dẫn số liệu thống kê tại bệnh viện nơi ông công tác cho biết 89.8% các ca nhập viện vì COVID-19 đều là những người chưa chích ngừa.

“Những người nào đã chích ngừa đầy đủ rồi mà không bị phản ứng nặng thì nên tiếp tục chích (tăng cường) tiếp nữa, là tại vì mình thấy cái hại rất là ít trong khi cái lợi nhiều hơn,” ông nói. “Cho tới nay không thấy mũi chích thứ ba gây ra bất cứ sự nguy hiểm nào nếu như hai mũi trước không gây ra phản ứng nào đáng kể.”

Dù những nghiên cứu mới cho thấy mức độ bảo vệ của mũi tiêm tăng cường, một số chuyên gia y tế ở Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục về sự cần thiết của nó. Họ lập luận rằng cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây của virus là tiêm chủng những người chưa tiêm chủng, thay vì bắt những người khỏe mạnh đã tiêm chủng lại tiêm tăng cường.

Cả hai bác sĩ Phước Lê và Nguyễn Đông Quan đều cho rằng nên thực hiện cả hai việc này cùng lúc, hơn là chỉ một trong hai.

“Mỹ có rất nhiều vaccine. Về khía cạnh bình đẳng vaccine toàn cầu chúng ta không nên xem việc tiêm ngừa là một mất một còn,” bác sĩ Phước nói. “Trong tư cách một cộng đồng toàn cầu chúng ta có thể tiêm ngừa và tiêm tăng cường cho tất cả mọi người trên hành tinh nếu chúng ta có chung một mục tiêu: xóa sổ Covid,” ông nhấn mạnh.

CDC hiện khuyến nghị tiêm tăng cường cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, năm tháng sau khi tiêm hai liều vaccine của Pfizer và Moderna, hoặc hai tháng sau khi tiêm vaccine một liều của Johnson & Johnson.

Bài viết sử dụng thông tin của AP và The New York Times.

VOA Express

XS
SM
MD
LG