Đường dẫn truy cập

Thượng đỉnh BRICS kết thúc, không đạt thỏa thuận về ngân hàng


(Từ trái qua) Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(Từ trái qua) Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các nhà lãnh đạo của khối BRICS tuần này đã họp tại thành phố cảng Durban của Nam Phi để bàn về việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước đang phát triển. Hội nghị thượng đỉnh này đã mang lại một số thành quả, nhưng ngân hàng phát triển mà các giới chức đã hứa hẹn trước đó không nằm trong các thành quả đạt được. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Anita Powell của VOA gởi về từ Durban.

Các nước thuộc khối BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm một phần tư GDP của thế giới. Nhưng các nền kinh tế đang trỗi dậy này nói rằng họ không có một chỗ đứng trên sân khấu thế giới nên họ muốn thành lập một liên minh. Nam Phi, thành viên mới nhất của khối, đã đứng ra tổ chức cuộc họp thượng đỉnh năm nay.

Theo kế hoạch, thành quả chính của cuộc họp này là việc thành lập một ngân hàng phát triển để hỗ trợ cho các nhu cầu về cơ sở hạ tầng thiết yếu. Phi Châu bị tụt hậu rất xa trong lãnh vực này và cần khoảng 200 tỉ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng trong hai thập niên sắp tới.

Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma cho biết khối BRICS đã đồng ý với nhau về khái niệm thành lập ngân hàng phát triển, nhưng không đạt được thỏa thuận về các chi tiết.

Ông Zuma nói: "Sau khi nhận được báo cáo của các vị bộ trưởng tài chánh của chúng tôi, chúng tôi cảm thấy hài lòng vì việc thành lập một ngân hàng phát triển mới là khả thi và có nhiều triển vọng. Chúng tôi đã đồng ý thành lập ngân hàng phát triển mới. Khoản vốn đóng góp ban đầu cho ngân hàng cần phải ở mức cao và đủ để ngân hàng có thể hoạt động một cách có hiệu quả trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng."

Ông Steve Price-Thomas là một chuyên gia về sách lược của tổ chức từ thiện Oxfam. Ông cho rằng bởi vì hơn phân nửa số người nghèo của thế giới sinh sống ở 5 nước thuộc khối BRICS cho nên ngân hàng phát triển của khối này cần phải đặt trọng tâm vào việc giúp đỡ cho dân nghèo.

Ông Price-Thomas nói: "Có một điều tuyệt đối cần thiết là ngân hàng BRICS lấy việc giảm nghèo và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng làm mục tiêu chính của các hoạt động của mình."

Tổng thống Zuma đã ký kết một số hiệp định song phương tại hội nghị thượng đỉnh Durban, trong đó có một hợp đồng nhiều tỉ đô la để Trung Quốc đóng tàu cho Nam Phi.

Giáo sư Caroline Bracht là một thành viên của Nhóm Nghiên cứu BRICS của Đại học Toronto. Bà cho biết hội nghị thượng đỉnh này đã đạt mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế.

Ông Bracht nói: "Trong những năm tới đây chúng ta sẽ thấy có sự gia tăng của những hoạt động thương mại giữa các nước trong khối BRICS. Và đây không phải là để cạnh tranh với hoạt động thương mại mà các nước BRICS đang có với các nước công nghiệp hóa, nhưng là một sự tăng cường của các hoạt động thương mại đã có. Vì vậy tôi nghĩ rằng thành quả lớn của hộïi nghị thượng đỉnh này là họ đang đặt trọng tâm vào việc hợp tác trong lúc đối mặt với sự cạnh tranh."

Hội nghị thượng đỉnh kế tiếp của khối BRICS sẽ được tổ chức tại Brazil trong năm 2014.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG