Đường dẫn truy cập

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam 


Ân xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam
Ân xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam

Hôm 10/7, tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Thái Lan không bàn giao một nhà hoạt động vì nhân quyền người Thượng và Ê Đê cho chính quyền Việt Nam, nơi ông “sẽ có nguy cơ bị tra tấn nghiêm trọng”.

Ông Y Quynh Bdap, một người tị nạn được Liên Hiệp Quốc công nhận, sinh sống ở Thái Lan từ năm 2018. Ngày 11/6, ông bị chính quyền Thái Lan bắt giữ vì “ở quá hạn” thị thực tại Bangkok theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền Việt Nam, thông báo của tổ chức Ân xá Quốc tế viết.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh đưa ra lời kêu gọi này vài ngày trước khi phiên tranh tụng về việc dẫn độ đối ông Y Quynh dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Như VOA đã đưa tin, Bộ Ngoại giao Thái Lan nói rằng yêu cầu dẫn độ này có căn cứ là tòa án Việt Nam đã kết án ông Y Quynh 10 năm tù về tội “khủng bố” hồi tháng 1/2024.

“Chính quyền Việt Nam có lịch sử lâu dài về đàn áp bạo lực và phân biệt chủng tộc đối với người Thượng bản địa”, nhà nghiên cứu Thái Lan Chanatip Tatiyakaroonwong thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận xét trong thông cáo hôm 10/7. Ông nói thêm rằng Thái Lan sẽ “vi phạm nghĩa vụ của nước này về ‘không đẩy trả lại’ nếu chấp nhận yêu cầu dẫn độ kỳ quặc này”.

“Tòa án Việt Nam không độc lập. Ông Bdap đã bị xét xử vắng mặt và bị kết tội khủng bố, vi phạm rõ ràng quyền được xét xử công bằng của ông ấy”, ông Tatiyakaroonwong đưa ra nhận định.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu trên gọi của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.

Theo Ân xá Quốc tế, ông Y Quynh Bdap là người dân tộc Ê Đê, một trong những nhóm người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam. Là người đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý, ông đã đóng một vai trò quan trọng với tư cách là một người bảo vệ nhân quyền, vận động cho quyền của người Thượng thông qua việc lên tiếng chống lại sự đàn áp tôn giáo mà cộng đồng của ông phải đối mặt, tổ chức nhân quyền nói thêm.

Hồi tuần trước, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bdap.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên tiếng trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Thái Lan từ chối việc dẫn độ ông ấy và từ chối bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng này phải hồi hương giữa lúc ông đang mong được bảo vệ ở đất nước này”.

Các chuyên gia LHQ kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ không đẩy trả lại (non-refoulement) theo luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm đưa một người trở về quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi hoặc tra tấn.

Ông Y Quynh Bdap, 32 tuổi, bị kết án vắng mặt về tội “khủng bố” được cho là có liên quan đến vụ tấn công ở tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 6/2023. Trong vụ án này, ông Y Quynh bị kết án 10 năm tù sau phiên tòa di động xét xử 100 bị cáo. Các chuyên gia LHQ cho rằng phiên tòa này “không đáp ứng các bảo đảm xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế”.

Chính quyền Việt Nam cho rằng vụ tấn công trên là “hoạt động khủng bố có tổ chức” và nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ), do ông Y Quynh đồng sáng lập vào năm 2019, đã sử dụng mạng xã hội “liên lạc, kích động những người thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG