Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện Mỹ phán quyết ông Trump hưởng quyền miễn tố theo nghĩa rộng


Ông Trump phát biểu với báo giới ở New York, 16/4/2024 (ảnh tư liêu, AP Photo/Yuki Iwamura)
Ông Trump phát biểu với báo giới ở New York, 16/4/2024 (ảnh tư liêu, AP Photo/Yuki Iwamura)

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết hôm thứ Hai 1/7 rằng ông Donald Trump không thể bị truy tố vì những hành động nằm trong quyền hạn hiến định của ông với tư cách là tổng thống. Đây là một phần nội dung của một quyết định mang tính bước ngoặt lần đầu tiên công nhận việc tổng thống được miễn tố ở mức độ này hay mức độ khác.

Các thẩm phán đưa ra phán quyết với 6 phiếu thuận, 3 phiếu chống. Nội dung phán quyết do Chánh án John Roberts chấp bút đã hủy bỏ quyết định của tòa án cấp dưới vốn đã bác bỏ việc ông Trump khẳng định ông được hưởng quyền miễn trừ khỏi các cáo buộc hình sự liên bang liên quan đến nỗ lực đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 trước đối thủ là ông Joe Biden.

6 thẩm phán bảo thủ chiếm thế đa số và bỏ phiếu thuận tại Tối cao Pháp viện, trong khi 3 thẩm phán cấp tiến trong tòa án này có quan điểm ngược lại.

Ông Trump là ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đối đầu với ông Biden, đảng viên Dân chủ, trong cuộc bầu cử ngày 5/11 ở Mỹ, là cuộc tái đấu sau năm 2020.

Việc Tối cao Pháp viện xử lý vụ án chậm chạp và quyết định của tòa này đưa những vấn đề chính về phạm vi quyền miễn tố của ông Trump trở lại thẩm phán ở cấp xét xử để giải quyết ở cấp đó khiến cho khó có khả năng là ông Trump sẽ bị xét xử trước cuộc bầu cử về những cáo buộc này do Công tố viên đặc biệt Jack Smith đưa ra.

Chánh án Roberts viết: “Chúng tôi kết luận rằng theo cấu trúc hiến pháp của chúng ta về phân quyền, bản chất của quyền lực tổng thống đòi hỏi cựu tổng thống được hưởng quyền miễn tố hình sự ở mức độ nhất định cho các hoạt động chính thức trong nhiệm kỳ của ông ấy”.

Vẫn ông Roberts viết rằng quyền miễn trừ dành cho các cựu tổng thống có tính "tuyệt đối" về mặt "các thẩm quyền hiến định cốt lõi" của họ, và một cựu tổng thống "ít nhất được giả định là được hưởng quyền miễn trừ" cho "các hành động nằm trong ranh giới ngoài cùng về phạm vi trách nhiệm chính thức của ông ấy", đồng nghĩa là các công tố viên phải đối mặt với tiêu chuẩn pháp lý cao để chứng minh là cựu tổng thống không được miễn trừ.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden gọi phán quyết này là "tiền lệ nguy hiểm" vì quyền lực của tổng thống sẽ không còn bị luật pháp hạn chế.

“Quốc gia này được thành lập dựa trên nguyên tắc không có nhà vua nào ở Mỹ … không ai đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống Hoa Kỳ”, ông Biden nói thêm. Ông đưa ra những nhận xét này vài giờ sau khi một trong những quan chức trong ban tranh cử của ông cho rằng phán quyết này khiến cho ông Trump sẽ được dễ dàng hơn khi "theo đuổi con đường dẫn đến chế độ độc tài".

Khi công nhận quyền miễn trừ theo nghĩa rộng cho ông Trump, ông Roberts viện dẫn lý do là một tổng thống cần được có khả năng "thực thi các nhiệm vụ trong chức vụ của mình không hề phải lo sợ và công bằng" mà không phải chịu nguy cơ bị truy tố.

Ông Roberts trình bày thêm: “Đối với những hành động không chính thức của tổng thống, không có quyền được miễn trừ”.

Ông Trump ca ngợi phán quyết này trong một bài đăng trên mạng xã hội, viết rằng: "THẮNG LỢI LỚN CHO HIẾN PHÁP VÀ NỀN DÂN CHỦ CỦA CHÚNG TA. TỰ HÀO LÀ NGƯỜI MỸ!"

Ông Trump, 78 tuổi, là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự và là cựu tổng thống đầu tiên bị kết án hình sự. Cáo buộc của Công tố viên đặc biệt Smith về hành vi đảo ngược kết quả bầu cử là một trong 4 vụ án hình sự mà ông Trump phải đối mặt.

Tòa tối cao đã phân tích 4 loại hành vi có trong bản cáo trạng. Đó là: việc ông thảo luận với các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ sau cuộc bầu cử; việc ông bị cho là đã gây áp lực lên Phó Tổng thống lúc bấy giờ là Mike Pence phải ngăn việc Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Biden; việc ông bị cho là có vai trò trong hành động tập hợp các đại cử tri giả ủng hộ ông để sử dụng trong quá trình chứng nhận; và hành vi của ông liên quan đến vụ tấn công ngày 6/1/2021 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ do những người ủng hộ ông gây ra.

Kết quả kể trên đã mang lại cho ông Trump phần lớn những gì ông mong đợi nhưng không cho phép ông hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối cho mọi hành vi chính thức, điều mà các luật sư của ông vẫn cố vận động. Thay vào đó, tòa tối cao nêu rõ rằng các hành động nằm trong "phạm vi quyền lực hiến định" của tổng thống được bảo vệ như vậy, trong khi những hành động nằm ngoài quyền lực của riêng tổng thống chỉ "được giả định là được miễn trừ".

Tòa tối cao xác định rằng ông Trump hoàn toàn được miễn trừ về các cuộc thảo luận với các quan chức Bộ Tư pháp. Ông Trump cũng "được giả định là được miễn trừ" cho các trao đổi của ông với ông Pence, nhưng tòa tối cao đã chuyển vấn đề đó và hai mục khác trở lại các tòa án cấp dưới để họ xác định liệu ông Trump có quyền được miễn trừ hay không.

Phán quyết này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi nước Mỹ ra đời vào thế kỷ 18, Tối cao Pháp viện tuyên bố rằng các cựu tổng thống có thể được bảo vệ khỏi các cáo buộc hình sự trong bất cứ trường hợp nào.

Trong số những thẩm phán chiếm thế đa số và theo đường lối bảo thủ ở Tối cao Pháp viện, có 3 vị do ông Trump bổ nhiệm.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG