Đường dẫn truy cập

Triều Tiên thử tên lửa lớn nhất kể từ năm 2017, Mỹ kêu gọi đàm phán


Hình ảnh thử tên lửa được Triều Tiên công bố hôm 31/1/2022. Photo: Korean Central News Agency (KCNA)
Hình ảnh thử tên lửa được Triều Tiên công bố hôm 31/1/2022. Photo: Korean Central News Agency (KCNA)

Hôm 31/1, Triều Tiên xác nhận rằng họ đã phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12, cùng một loại vũ khí mà họ từng đe dọa nhắm vào lãnh thổ Guam của Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân này có thể tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm xa, theo Reuters.

Vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) lần đầu tiên được chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản loan tin hôm 30/1. Đây là vụ thử thứ 7 được Triều Tiên tiến hành trong tháng này và là lần đầu tiên một tên lửa có khả năng hạt nhân cỡ đó được phóng kể từ năm 2017.

Hoa Kỳ lo ngại rằng các vụ thử tên lửa leo thang của Triều Tiên có thể là tiền đề cho việc nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tuyên bố sẽ có một phản ứng không xác định “nhằm thể hiện cam kết của chúng tôi với các đồng minh”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên tại Washington .

“Đó không chỉ là những gì họ đã làm ngày hôm qua, mà thực tế là điều này đang diễn ra sau một số lượng lớn các cuộc thử nghiệm trong tháng này”, quan chức này cho biết, đồng thời thúc giục Bình Nhưỡng tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp mà không có điều kiện tiên quyết.

Trong bối cảnh ngoại giao bùng nổ vào năm 2018, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố hoàn thành lực lượng hạt nhân và cho biết sẽ đình chỉ việc thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa nhất của nước này.

Ông Kim cho biết ông không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm đó sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ vào năm 2019. Trong tháng này, Triều Tiên đề nghị có thể khởi động lại các hoạt động thử nghiệm đó vì Hoa Kỳ không có dấu hiệu từ bỏ “các chính sách thù địch.”

Các nhà phân tích Triều Tiên cho biết các cuộc thử nghiệm dường như nhằm đảm bảo sự chấp nhận toàn cầu đối với các chương trình vũ khí của nước này, cho dù thông qua nhượng bộ hay chỉ đơn giản là giành được sự đồng tình từ một thế giới đang bị phân tâm.

Ông Markus Garlauskas, thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu sĩ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ về Triều Tiên cho rằng: “Sự phân tâm của thế giới về các vấn đề khác thực sự đang có lợi cho Triều Tiên.”

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook vừa đến thăm Bộ Tư lệnh Tên lửa Quân đội của nước này hôm 31/1 để kiểm tra khả năng sẵn sàng đối mặt với các vụ phóng của Triều Tiên, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với các phóng viên rằng Triều Tiên đang leo thang khiêu khích cộng đồng quốc tế và nói rằng “sự cải tiến đáng kể” trong công nghệ tên lửa là “không thể dung thứ.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG