Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đề nghị hòa giải vấn đề Rohingya


Hàng ngàn người Rohingya đổ xô vào trại Kutapalong sau khi vượt biên giới Myanmar sang Bangladesh. (J. Owens/VOA)
Hàng ngàn người Rohingya đổ xô vào trại Kutapalong sau khi vượt biên giới Myanmar sang Bangladesh. (J. Owens/VOA)

Trung Quốc ngày 25/4 đề nghị giúp giải quyết tranh chấp ngoại giao giữa Bangladesh và Myanmar về số phận người thiểu số Rohingya, theo tin từ hai giới chức Bộ Ngoại giao Bangladesh.

Khoảng 69.000 người Rohingya di tản sang Bangladesh để tránh bạo động tại Myanmar, nước có đa số người dân theo Phật Giáo, kể từ tháng 10 năm ngoái gây nên căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng xem nhóm người thiểu số Hồi Giáo không quốc gia này không phải là vấn đề của nước mình.

Đặc sứ Trung Quốc, Sun Guoxiang, bắt đầu chuyến viếng thăm Bangladesh 4 ngày, đã hối thúc Dhaka giải quyết song phương những tranh chấp với Myanmar, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề, một viên chức Bộ Ngoại giao tại Dhaka nói với Reuters.

Nguồn tin này cho biết ông Sun đưa ra đề nghị này trong một phiên họp với Ngoại trưởng Bangladesh, Shahidul Haque.

Một viên chức khác tại Bộ Ngoại giao Bangladesh xác nhận tin này nhưng cũng yêu cầu dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với cả Myanmar lẫn Bangladesh, giúp phát triển hạ tầng cơ sở tại hai nước. Quan hệ với Myanmar trở nên nồng ấm hơn kể từ khi Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về ống dẫn dầu giữa hai nước láng giềng sau gần một thập niên thương thuyết.

Bắc Kinh có sự hiện diện đông đảo tại Bangladesh, xây dựng đường sá, nhà máy điện và cung cấp các trang bị quân sự.

Trong những cuộc thảo luận ngày thứ Ba 25 tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Haque nói với Đặc sứ Trung Quốc rằng Bangladesh hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc giải quyết những vấn đề với Myanmar phát sinh từ làn sóng người Rohingya chạy sang Bangladesh.

Dhaka đề nghị ông Sun đến Cox’s Bazar gần biên giới Myanmar để thấy sự thống khổ của hàng chục ngàn người sống tại các trại ở đây. Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh, Ma Mingqiang, đã thăm viếng trại của người Rohingya tại đây vào tháng 3 năm nay.

Myanmar ngày càng bị thế giới chỉ trích về bạo động bùng phát chống lại người Rohingya. Chính phủ Myanmar thú nhận là một số binh sĩ có thể phạm các tội hình sự nhưng đã bác bỏ cáo buộc là đàn áp những người sắc tộc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG