Đường dẫn truy cập

Trung Quốc vừa ủng hộ chế tài Triều Tiên, vừa tiếp tay vi phạm


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay ông Lý Hồng Trung, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Phó Chủ tịch Quốc Hội) trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, ngày 27/7/2023.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay ông Lý Hồng Trung, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Phó Chủ tịch Quốc Hội) trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, ngày 27/7/2023.

Các tay trung gian người Trung Quốc rửa tiền thu được từ các vụ trộm mạng của tin tặc Triều Tiên trong khi các tàu Trung Quốc vận chuyển hàng hóa Triều Tiên bị trừng phạt đến các cảng Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc giúp người lao động Triều Tiên - từ lao động giá rẻ đến chuyên gia công nghệ thông tin được trả lương cao - tìm việc làm ở nước ngoài. Một phòng trưng bày nghệ thuật ở Bắc Kinh thậm chí còn ‘PR’ cho các họa sĩ Triều Tiên rằng làm việc 12 giờ mỗi ngày trong khu phức hợp được giám sát chặt chẽ để sáng tạo ra những bức tranh mô phỏng những viễn cảnh bình dị về cuộc sống dưới chế độ cộng sản mà mỗi bức được bán với giá hàng nghìn đô la.

Đó là tất cả những gì mà giới hữu trách quốc tế cho là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang giúp quốc gia Triều Tiên thiếu tiền mặt né tránh một loạt chế tài quốc tế vốn nhắm cản trở chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo những gì hãng tin AP điểm lại về các phúc trình của Liên hiệp quốc, hồ sơ tòa án và các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia.

Ông Aaron Arnold, cựu thành viên ủy ban của Liên hiệp quốc về Triều Tiên và là chuyên gia về chế tài tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, nói: “Thật quá rõ ràng” về mối liên hệ giữa Trung Quốc và việc trốn tránh các chế tài.” “Tại thời điểm này, rất khó để nói rằng đó không phải là cố ý.”

Trung Quốc có mối quan hệ phức tạp với Bình Nhưỡng kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Các chuyên gia cho biết, dù không thoải mái trước mối đe dọa hạt nhân ngay trước cửa nhà mình, Trung Quốc không muốn chính phủ nước láng giềng sụp đổ. Trung Quốc coi Triều Tiên là vùng đệm chống lại Mỹ, quốc gia duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Hàn Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã khẳng định rằng họ thực thi các biện pháp trừng phạt mà họ ủng hộ kể từ khi Triều Tiên bắt đầu thử vũ khí hạt nhân và mạnh mẽ bác bỏ mọi đề xuất ngược lại. “Trung Quốc đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nghị quyết (của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc)”, một đại sứ Trung Quốc cho biết trong một lá thư gần đây gửi Liên hiệp quốc, đồng thời nói thêm rằng đất nước của ông đã “chịu tổn thất lớn” khi làm như vậy.

Nhưng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách làm suy yếu các chế tài đó và năm ngoái đã phủ quyết những hạn chế mới đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân.

Mùa hè này, một quan chức hàng đầu của đảng cầm quyền Trung Quốc đã đưa ra một ví dụ sinh động về sự mơ hồ của Trung Quốc đối với các chế tài khi ông đứng vỗ tay cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Chạy qua hai người này là những chiếc xe tải chở phi đạn có khả năng hạt nhân và các loại vũ khí khác mà lẽ ra chế độ này không được phép sở hữu.

Cùng tham dự có Bộ trưởng Quốc phòng Nga, dường như là một phần trong nỗ lực mới của Điện Kremlin, vất vả trong cuộc xâm lược Ukraine, nhằm tăng cường quan hệ với Triều Tiên. Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn pháo và rốc-két cho Nga, trong khi bằng chứng mới cho thấy các chiến binh Hamas có thể đã bắn vũ khí của Triều Tiên trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10.

Tuy nhiên, trong khi Nga và một số quốc gia khác bị cáo buộc giúp Triều Tiên trốn tránh các chế tài, thì không có nước nào hoạt động mạnh mẽ như Trung Quốc, theo hồ sơ tòa án và phúc trình quốc tế.

“Trung Quốc vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mà họ đã bỏ phiếu…Ngoài ra, họ còn nói rằng điều đó không vi phạm các chế tài”, ông Joshua Stanton, một nhà vận động nhân quyền và luật sư, người đã giúp soạn thảo luật chế tài của Mỹ chống lại Triều Tiên, nói.

Một duyệt xét của AP cho thấy đa số những người nằm trong danh sách chế tài của chính phủ Mỹ liên quan đến Triều Tiên trong những năm gần đây đều có quan hệ với Trung Quốc. Nhiều người là người Triều Tiên làm việc cho các công ty được cho là bình phong của Trung Quốc trong khi những người khác là công dân Trung Quốc mà chính quyền Mỹ cho rằng đã rửa tiền hoặc mua vật liệu vũ khí cho Triều Tiên.

Bên cạnh các chế tài, các vụ truy tố hình sự của Mỹ đối với các cá nhân hoặc thực thể hỗ trợ chế độ Triều Tiên thường có mối liên hệ với Trung Quốc.

Điều đó đặc biệt đúng đối với các trường hợp liên quan đến tin tặc tinh vi của Triều Tiên, những kẻ mà các chuyên gia tin rằng đã đánh cắp tới 3 tỷ đô la tiền kỹ thuật số trong những năm gần đây. Tài sản bất ngờ này trùng hợp với sự phát triển nhanh chóng của chương trình phi đạn và vũ khí của nước này.

Một bản cáo trạng được đệ trình vào đầu năm nay cáo buộc rằng một người trung gian Trung Quốc đã giúp rửa tiền điện tử mà các hacker hàng đầu của chế độ Triều Tiên đánh cắp thành đô la Mỹ. Và một vụ án tương tự đã được đệ trình vào năm 2020, cáo buộc hai nhà môi giới Trung Quốc rửa hơn 100 triệu đô la tiền kỹ thuật số bị Triều Tiên đánh cắp.

Những nhà môi giới “không chính thức” như vậy cho phép tin tặc Triều Tiên bỏ qua các quy định về hiểu biết khách hàng của các ngân hàng và các sàn giao dịch tài chính khác.

Hồ sơ cho thấy Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống tài chính của Trung Quốc và các công ty Trung Quốc để có được công nghệ và hàng hóa bị cấm, cũng như để có được đô la Mỹ và có quyền truy cập vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Cựu quan chức Bộ Ngân khố Mỹ Anthony Ruggiero nói: “Các ngân hàng (Trung Quốc) ít khắt khe hơn vì chính phủ Trung Quốc không thúc ép họ”.

Triều Tiên đã nhập khẩu nhôm oxit trị giá hơn 250.000 đô la, có thể được sử dụng để xử lý nhiên liệu vũ khí hạt nhân, từ một công ty Trung Quốc vào năm 2015, theo như hồ sơ hải quan được ghi nhận trong một phúc trình của cơ quan nghiên cứu.

Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc công ty này chiếm một phần đáng kể trong tổng thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc; khách hàng của họ bao gồm Bộ Thương mại của chính phủ Trung Quốc, cơ quan đang đấu thầu các dự án của Triều Tiên.

Hình ảnh từ các cuộc duyệt binh của Triều Tiên cho thấy phi đạn hạt nhân của nước này được vận chuyển trên các bệ phóng được chế tạo bằng khung gầm xe tải hạng nặng của Trung Quốc. Trung Quốc nói với uỷ ban chuyên gia Liên hiệp quốc rằng Triều Tiên đã hứa sẽ sử dụng xe tải để vận chuyển gỗ.

Trung Quốc thường xuyên phớt lờ hàng loạt ảnh vệ tinh và dữ liệu theo dõi tàu do một nhóm chuyên gia của Liên hiệp quốc biên soạn cho thấy các tàu mang cờ Trung Quốc cập tàu Triều Tiên và chuyển hàng hóa. Các tàu của Triều Tiên, theo chế tài của Liên hiệp quốc, bị cấm tham gia chuyển hàng giữa các tàu, một phương thức thường được thực hiện để che khuất dòng hàng hóa bị chế tài như xuất khẩu than và nhập khẩu dầu.

Hoa Kỳ và các nền dân chủ hàng đầu khác đã gửi cho Trung Quốc một lá thư vào mùa hè này nói rằng họ “thất vọng” khi các bức ảnh vệ tinh tiếp tục cho thấy các tàu chở hàng được cho là đã vi phạm lệnh trừng phạt hoạt động tại các cảng và lãnh hải của Trung Quốc.

Bức thư cảnh báo: “Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ cam kết của Trung Quốc trong việc duy trì các nghĩa vụ của Liên hiệp quốc”.

Trung Quốc bác bỏ những phát hiện như vậy, thường xuyên nói rằng các cuộc điều tra của họ không phát hiện ra bằng chứng nào về hành vi sai trái mà không cung cấp bất kỳ thông tin hoặc lời giải thích thay thế nào.

Bắc Kinh cho biết năm ngoái họ không thể cung cấp hồ sơ ghé cảng của Trung Quốc đối với một số tàu Triều Tiên vì uỷ ban Liên hiệp quốc chưa cung cấp số IMO của tàu, một mã nhận dạng duy nhất được sơn trên các tàu lớn. Những con số đó có thể dễ dàng tra cứu bằng tên tàu.

Ông Eric Penton-Voak, cựu điều phối viên của uỷ ban chuyên gia Liên hiệp quốc, cho biết những lời bào chữa như vậy là lố bịch trước sức mạnh giám sát rộng lớn của Trung Quốc và cho thấy sự coi thường của đảng cộng sản cầm quyền trong việc thực thi các chế tài mà họ đã đồng ý.

Ông nói: “Chỉ là nỗ lực tự cứu mà thôi” để tránh đưa ra câu trả lời.

Khi uỷ ban Liên hiệp quốc kêu gọi Bắc Kinh điều tra các công ty may mặc Trung Quốc có khả năng tuyển dụng công nhân Triều Tiên, Trung Quốc cho biết họ không thể làm gì vì thông tin này quá mơ hồ. Bắc Kinh cho biết ủy ban Liên hiệp quốc chỉ cung cấp tên các công ty bằng tiếng Hàn và tiếng Anh. Trung Quốc đã nói với uỷ ban Liên hiệp quốc trong một bức thư rằng “hệ thống đăng ký kinh doanh của họ chỉ sử dụng tiếng Trung Quốc”.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG