Đường dẫn truy cập

Tình báo Seoul: Nga dường như đã đề nghị Triều Tiên tập trận ba bên với Trung Quốc


Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau tại Vladivostok, Nga, ngày 25/4/2019.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau tại Vladivostok, Nga, ngày 25/4/2019.

Nga có thể đã đề nghị Triều Tiên tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên với Trung Quốc, theo một nhà lập pháp tham dự cuộc họp kín với giám đốc cơ quan tình báo hàng đầu của Hàn Quốc hôm 4/9.

Cuộc họp báo diễn ra vài ngày sau khi đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora nói với truyền thông Nga rằng việc đưa Triều Tiên vào tham gia các cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc “có vẻ phù hợp”. Theo hãng tin Tass của Nga, ông Matsegora nói thêm rằng đó là quan điểm riêng của ông và ông không biết về bất kỳ sự chuẩn bị nào.

Theo nhà lập pháp Yoo Sang-bum, khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Kim Kyou-hyun được hỏi về khả năng tổ chức các cuộc tập trận như vậy, ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có thể đã đề nghị tổ chức các cuộc tập trận hải quân ba bên với Triều Tiên và Trung Quốc trong khi gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 7 vừa qua.

Ông Kim đã mời ông Shoigu tham dự một cuộc duyệt binh lớn ở Bình Nhưỡng vào tháng 7, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác quân sự với Moscow, điều mà các quan chức Mỹ cho rằng có thể liên quan đến việc Triều Tiên cung cấp pháo binh và các loại đạn dược khác khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm đến các nước khác để hỗ trợ cho cuộc chiến của ông chống Ukraine. Tuần trước, Tòa Bạch Ốc nói ông Kim và ông Putin đã trao đổi thư từ trong lúc Moscow tìm đến Bình Nhưỡng để mua thêm đạn dược.

Trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân ngày càng sâu sắc với Mỹ-Nhật-Hàn, ông Kim đang cố gắng nâng cao tầm nhìn về mối quan hệ đối tác của mình với Moscow và Bắc Kinh khi ông tìm cách thoát khỏi sự cô lập ngoại giao và đưa Bình Nhưỡng trở thành một phần của mặt trận thống nhất chống lại Hoa Kỳ.

Ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Washington đã bị đình trệ kể từ năm 2019 do những bất đồng về các chế tài do Mỹ dẫn đầu chống lại Triều Tiên và các bước đi lưỡng lự của Triều Tiên nhằm giảm bớt chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn.

Trong cuộc họp báo, ông Kim Kyou-hyun cũng nói rằng các hoạt động thử nghiệm gần đây của Triều Tiên cho thấy máy bay chiến đấu của họ phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống hạt nhân chiến thuật vì mục tiêu của nước này là đạt được chiến thắng nhanh chóng trước miền Nam nếu chiến tranh nổ ra, vì quân đội được trang bị kém của họ sẽ vất vả để xử lý một cuộc chiến kéo dài, theo nhà lập pháp Yoo.

Ông Kim đã lợi dụng sự tập trung của quốc tế vào cuộc chiến của Nga với Ukraine để tăng cường các cuộc trình diễn vũ khí của mình, bao gồm hơn 100 vụ phóng phi đạn kể từ đầu năm 2022. Các cuộc phóng thử phi đạn của Triều Tiên được nhấn mạnh bởi những lời đe dọa về các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Hàn Quốc và các đối thủ khác nếu miền Bắc nhận thấy sự lãnh đạo của mình đang bị đe dọa.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG