Đường dẫn truy cập

Úc, Mỹ chia sẻ chi phí triển khai quân đội Mỹ ở Úc


Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne trong một cuộc họp báo ở Anh, ngày 9 tháng 9, 2016
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne trong một cuộc họp báo ở Anh, ngày 9 tháng 9, 2016

Úc và Hoa Kỳ đã đồng ý gánh vác chung chi phí liên quan tới sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng lãnh thổ phía Bắc nước Úc, một phần thiết yếu trong chính sách tái cân bằng lực lượng, xoay trục sang Châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Hãng tin Reuters trích lời của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết như vậy hôm thứ Năm, sau khi bà Payne gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ở Washington trong tuần này để thảo luận về các kế hoạch nhằm tăng gấp đôi quân số của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ trú đóng tại thành phố Darwin trước năm 2020. Hiện nay quân số của lực lượng này là 1.250 binh sĩ.

Năm 2014, Canberra và Washington đã ký một hiệp định bố trí lực lượng để tiến hành các cuộc diễn tập chung và triển khai các lực lượng hải quân và không quân Mỹ tại Úc. Cho tới nay, chi phí của các hoạt động này được chia đôi trên căn bản từng hoạt động một, trong khi chi phí xây dựng cấu trúc hạ tầng chưa được định đoạt.

Hồi tháng Ba, chính phủ hai nước thảo luận việc cho các máy bay đánh bom B1 của Mỹ đặt căn cứ ở Darwin, qua đó củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ gần hơn với Biển Đông đang trong vòng tranh chấp.

Thành phố Darwin gần Indonesia hơn là gần thủ đô Canberra của Úc.

Trong thời gian qua, giữa lúc Canberra cân nhắc các quan hệ với đồng minh quan trọng nhất là Hoa Kỳ, và với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, đã có lúc Úc bị chỉ trích từ cả hai phía.

Trong một thông báo công bố hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne nói yểm trợ lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Darwin “phù hợp với các lợi ích chiến lược lâu dài của Úc, là hậu thuẫn sự hiện diện của Mỹ trong khu vực nhằm cổ vũ cho an ninh và ổn định khu vực.”

Hai nước sẽ chia sẻ chi phí vượt quá 1 tỉ rưỡi đôla (2 tỉ Úc kim) tiền đầu tư vào cấu trúc hạ tầng ở lãnh thổ Bắc Úc và các chi phí khác liên quan tới việc triển khai lực lượng Mỹ trong 25 năm.

Hiện đang có kế hoạch để tiến hành các chương trình huấn luyện và tập trận chung, có thể có sự tham gia của các đối tác khác trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Ngay trong lúc này, chưa có bình luận nào từ các giới chức Mỹ về thỏa thuận chia sẻ chi phí trong khuôn khổ hiệp định bố trí lực lượng Mỹ-Úc.

Báo The Australian của Úc số ra hôm thứ Năm nhận định rằng kế hoạch quy mô của Tổng thống Obama, tận dụng các cuộc tập trận hải quân tại lãnh thổ phía Bắc Úc làm căn bản cho việc tái cân bằng lực lượng sang Châu Á, cuối cùng đã thành hiện thực trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới.

Tờ báo nói rằng thoả thuận này đã được đẩy nhanh trong bối cảnh nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama sắp kết thúc, khuynh hướng muốn tự cô lập của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump, cũng như thái độ bất nhất của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã lớn tiếng đòi cắt đứt các liên hệ với Mỹ để xích lại gần với Trung Quốc hơn.

Các giới chức quốc phòng Mỹ miêu tả việc luân phiên triển khai các lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tới Darwin là một phần nằm trong “chương trình tái cân bằng lực lượng của Mỹ sang khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.”

Trong một diễn biến khác, các tàu chiến, máy bay và quân đội Úc đã khởi sự cuộc diễn tập hỗn hợp thường niên với bốn đồng minh chiến lược ở Biển Đông.

Khoảng 400 binh sĩ Úc tham gia cuộc diễn tập kéo dài ba tuần mang tên “Bersama Lima,” cùng với Malaysia, Singapore, New Zealand và Anh, trong khuôn khổ Thỏa thuận Quốc phòng năm nước, gọi tắt tiếng Anh là FPDA.

Tuy nhiên Lực lượng Quốc phòng Úc nói cuộc diễn tập diễn ra tại vùng biển được coi là "nhạy cảm" đang trong vòng tranh chấp trong khu vực, không nhằm đánh đi một thông điệp nào tới Bắc Kinh.

XS
SM
MD
LG