Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ trông đợi gặp lại ông Trần Quang Thành


Ông Trần Quang Thành nói chuyện với vợ và con trong một bệnh viện ở Bắc Kinh với sự hiện diện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Gary Locke và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell hôm 2/5/12
Ông Trần Quang Thành nói chuyện với vợ và con trong một bệnh viện ở Bắc Kinh với sự hiện diện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Gary Locke và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell hôm 2/5/12

Các giới chức Mỹ nói đang tìm cách gặp lại ông Trần Quang Thành, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, hiện đang xin sang Hoa Kỳ tỵ nạn sau khi rời khỏi tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Rắc rối trong vụ ông Trần xảy giữa lúc Ngoại trưởng Hillary Clinton lại đang có mặt tại Trung Quốc dự các cuộc hội đàm về an ninh và kinh tế.

Trung Quốc có bao nhiêu tù chính trị?

Theo cơ sở dữ liệu của Quốc hội Mỹ:
  • Tính tới ngày 10 tháng 10 năm 2010, có 5.689 trường hợp liên quan đến việc giam cầm vì lý do chính trị và tôn giáo tại Trung Quốc.
  • Trong số này, 1.452 trường hợp biết chắc hoặc tin là đã bị bắt hoặc bị giam.
  • Số còn lại gồm 4.237 được biết hoặc cho là đang bị giữ, hành quyết, chết hoặc đã trốn thoát.
  • Các con số trong cơ sở dữ liệu ít hơn nhiều so với thực tế.

Ông Mark Toner, phó phát ngôn viên Bộ ngoại giao cho biết các giới chức Mỹ đã điện đàm với ông Trần hai lần hôm thứ Năm, và gặp mặt vợ ông nhưng họ vẫn muốn gặp thẳng nhà bất đồng chính kiến khiếm thị. Ông Toner nói:

“Tôi lập lại một lần nữa, tôi không có thêm thông tin nào ngoại trừ việc chúng tôi muốn gặp ông ấy trong những ngày sắp tới.”

Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói “có một vài chỉ dấu” cho thấy giới chức Hoa Kỳ sẽ có thể gặp ông Trần vào thứ Sáu.

Ông Trần rời khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ hôm thứ Tư, với một thỏa thuận cho phép đưa gia đình tới một chỗ khác và để cho ông theo học ngành luật tại một trường đại học Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vài tiếng đồng hồ, sự việc lại bắt đầu khác đi.

Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài

  • Phương Lệ Chi: Nhà vật lý thiên văn hàng đầu đã tỵ nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ 13 tháng, sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Ông rời Trung Quốc vào năm 1990 và vừa qua đời năm nay tại Mỹ.

  • Ngụy Kinh Sinh: Nhà hoạt động dân chủ chạy sang Hoa Kỳ vào năm 1997 sau hơn 14 năm trong tù.

  • Rebiya Kadeer: Sắc tộc Uighur, bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện sống tại Hoa Kỳ.

  • Ngô Nhĩ Khai Hy: Lãnh tụ sinh viên đào thoát khỏi Trung Quốc với sự giúp đỡ của một mạng lưới bí mật sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.

  • Liêu Diệc Vũ: Nổi tiếng về bài phỏng vấn “Xác chết biết đi” với những người sống bên lề xã hội Trung Quốc, ông chạy qua Đức vào năm 2011.

  • Dư Kiệt: Tác giả một cuốn sách chỉ trích Thủ tướng Ôn Gia Bảo, chạy sang Hoa Kỳ năm 2012 sau khi bị bắt giữ nhiều lần và bị đánh đập.

Ông Trần nói với các ký giả nước ngoài trong các cuộc điện đàm rằng bây giờ ông muốn xin qui chế tỵ nạn cho ông và gia đình tại Mỹ, bởi vì ông không còn tin rằng quyền và sự an toàn của ông có thể được đảm bảo tại Trung Quốc.

Ông Toner nói không rõ tại sao ông Trần thay đổi ý định như vậy:

“Tôi chỉ có thể nói chúng tôi muốn tìm hiểu xem ý định thật sự của ông thế nào.”

Ông Trần, đã tự học về môn luật, và bị tù 4 năm sau khi trưng ra các vụ phá thai cưỡng bách và triệt sản, do các giới hữu quyền về kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc gây ra. Ông vẫn bị quản chế tại nhà sau khi được ra tù vào tháng 9 năm 2010.

Câu chuyện về sự đào thoát khỏi nhà, việc ông Trần bí mật tới đại sứ quán Mỹ, và thỏa thuận cho phép ông ra khỏi sứ quán, cùng yêu cầu xin tỵ nạn mới đây, đã phủ một bóng đen lên những cuộc hội đàm giữa các giới chức Trung Quốc và Hoa Kỳ trong đó có bà Clinton và Bộ trưởng Tài chánh Geithner.

Ông Toner nói, sự kiện trên cho thấy sức mạnh của bang giao Mỹ Trung, có thể đối phó với điều ông gọi là “những vấn đề cực kỳ khó khăn trong những ngày qua”, đồng thời vẫn tập trung vào những quan ngại bao gồm Syria, Sudan, Bắc Triều Tiên và Iran. Ông nói:

“Chúng ta đang có mối bang giao cực kỳ rộng rãi, cực kỳ đa dạng với Trung Quốc. Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng như Tổng thống đều nói mối bang giao này quan trọng biết bao nhiêu trên phương diện chiến lược, cho dù liên quan đến Iran, hay các vấn đề quốc tế quan yếu khác. Và chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi đường hướng đó.”

Ông Toner nói, trong lúc cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế diễn tiến, Hoa Kỳ sẽ không né tránh việc nêu lên những vấn đề nhân quyền với Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG