Đường dẫn truy cập

Ông Trần Quang Thành nói với VOA ông muốn rời Trung Quốc


Một bảo vệ ngăn cản nhiếp ảnh gia tại cổng Bệnh viện Triều Dương ở Bắc Kinh, Thứ Tư, 2/5/2012
Một bảo vệ ngăn cản nhiếp ảnh gia tại cổng Bệnh viện Triều Dương ở Bắc Kinh, Thứ Tư, 2/5/2012

Trong buổi trao đổi với VOA, nhà bất đồng chính kiến khiếm thị Trần Quang Thành của Trung Quốc cho biết một giới chức cao cấp của Trung Quốc đã nói với ông rằng nếu những phát biểu công khai của ông là chính xác, thì tình hình của ông chắc chắn sẽ được xử lý theo luật pháp. Về câu hỏi ông và gia đình có rời Trung Quốc hay không, ông cho biết có những yếu tố về an ninh, nhưng trước tiên ông muốn chữa trị chân đau trước khi rời.

Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài

  • Phương Lệ Chi: Nhà vật lý thiên văn hàng đầu đã tỵ nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ 13 tháng, sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Ông rời Trung Quốc vào năm 1990 và vừa qua đời năm nay tại Mỹ.

  • Ngụy Kinh Sinh: Nhà hoạt động dân chủ chạy sang Hoa Kỳ vào năm 1997 sau hơn 14 năm trong tù.

  • Rebiya Kadeer: Sắc tộc Uighur, bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện sống tại Hoa Kỳ.

  • Ngô Nhĩ Khai Hy: Lãnh tụ sinh viên đào thoát khỏi Trung Quốc với sự giúp đỡ của một mạng lưới bí mật sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.

  • Liêu Diệc Vũ: Nổi tiếng về bài phỏng vấn “Xác chết biết đi” với những người sống bên lề xã hội Trung Quốc, ông chạy qua Đức vào năm 2011.

  • Dư Kiệt: Tác giả một cuốn sách chỉ trích Thủ tướng Ôn Gia Bảo, chạy sang Hoa Kỳ năm 2012 sau khi bị bắt giữ nhiều lần và bị đánh đập.

Ông Trần Quang Thành nói chuyện với VOA qua điện thoại di động. Ông cho biết lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc nói công khai về chuyện truy bức ông và gia đình:

“Tối thứ Năm, chính quyền đưa một giới chức khá cao cấp đến tìm hiểu những gì thực sự xảy ra tại Sơn Đông. Họ cũng mang cho tôi một bó hoa. Tôi rất vui khi thấy họ đến.”

Hiện nay ông đang ở tại một bệnh viện để trị những vết thương trong thời gian bỏ trốn chế độ quản chế. Ông cho biết đã yêu cầu giới chức Trung Quốc đến thăm ông hãy bảo vệ ông chặt chẽ hơn:

“Tôi còn yêu cầu họ ngay tức khắc ra lệnh cho mọi người ngưng mọi hành động hình sự đối với gia đình tôi, bảo đảm các quyền dân sự của tôi, điều tra đầy đủ về mọi chuyện đã xảy ra tại Sơn Đông, và xử lý vụ này một cách công khai.”

Trường hợp của ông Trần Quang Thành tạo một thách thức ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông vào đại sứ quán Mỹ chỉ vài ngày trước khi hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ đến Bắc Kinh dự cuộc họp quan trọng.

Trong thời gian ông ở bên trong đại sứ quán, các bạn ông nói ông muốn ở lại Trung Quốc để đòi hỏi công lý và công bằng.

Hôm thứ Tư, ông rời đại sứ quán, sau khi các giới chức Mỹ tại đây nói rằng họ đã được Trung Quốc hứa là ông Trần Quang Thành sẽ được đưa gia đình đến Bắc Kinh và đi học đại học ở đó.

Qua đến thứ Năm, dường như ông đã đổi ý.

Hôm thứ Sáu, ông nói với VOA ông muốn rời Trung Quốc:

“Tôi muốn rời Trung Quốc để nghỉ ngơi một thời gian hoặc để chữa bệnh và làm những thứ khác, bởi vì trước sau gì thì cũng gặp vấn đề an ninh. Tôi vẫn chưa biết tình hình gia đình tôi bây giờ ra sao. Tôi không tiếp xúc được với anh em tôi. Tôi không gặp được gia đình.”

Ông cho biết gia đình ông bị truy bức mạnh bạo hơn sau khi ông bỏ trốn. Một người anh bị chính quyền Sơn Đông giam giữ. Một người cháu chống lại một nhân viên an ninh xông vào nhà vẫn chưa biết bây giờ đang ở đâu.

Ông nói nhân viên an ninh đang siết chặt kiểm soát ở nhà ông: “Xung quanh nhà tôi có 7 camera. Họ gắn hàng rào điện xung quanh nhà tôi, tôi không thể hiểu được. Tất cả những thứ đó cho thấy thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang được thực thi kém, có lẽ tại vì thỏa thuận này từ trước tới nay chưa từng có.”

Buổi trao đổi điện thoại với VOA phải ngưng vì có bác sĩ vào khám cho ông.

Dịp này, ông nói vài lời cuối cùng rằng ông hy vọng báo chí và công chúng lưu ý đến tình hình an ninh của bà Quách Ngọc Thiểm, người đã cứu ông và những người khác đã giúp đỡ ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG