Đường dẫn truy cập

Việt Nam can thiệp ‘bất thường’ vào thị trường tiền tệ để kìm giá tiền đồng


Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội.
Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội.

Sau khi bị Mỹ gán nhãn “thao túng tiền tệ” vào tháng 12 năm ngoái vì giữ cho tiền đồng không tăng giá, Việt Nam lại can thiệp vào thị trường ngoại hối và dùng điều mà giới buôn bán giao dịch nói là một phương cách không bình thường, theo nhận định của sáu người rành rẽ về vấn đề này cũng như theo một tài liệu duyệt xét thông điệp giao dịch liên ngân hàng.

Vào những ngày đầu tháng Giêng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) nói với một số ngân hàng địa phương là sẽ ngưng việc mua đô la Mỹ trên thị trường mua bán hiện tại, nơi việc mua bán được giải quyết trong vòng vài ngày, theo như hai người mua bán tiền tệ có kinh nghiệm và một nhà phân tích, cùng làm việc tại những ngân hàng địa phương và có liên hệ trực tiếp đến việc mua bán.

Ngân hàng trung ương, thay vào đó, đề nghị một thỏa thuận hấp dẫn đối với các ngân hàng đia phương: Ngân hàng sẽ đồng ý mua đồng đô la ở một tỉ giá thuận lợi khi trao tiền vào tháng 7, và sẽ cho phép các ngân hàng địa phương hủy bỏ thỏa thuận này trước giữa tháng 6 nếu họ muốn, theo ba nguồn tin và dựa theo tài liệu duyệt xét những chỉ dẫn giao dịch do SBV gởi ra.

Phương pháp can thiệp mới, chưa từng được báo cáo trước đây, giúp giảm áp lực lên tiền đồng nhưng không thực hiện giao dịch ngay lúc này, điều mà các nguồn tin nói có thể giúp tránh gây sự chú ý của Mỹ đến việc giao dịch và bất cứ hậu quả thêm nữa nào trong mối quan hệ song phương.

Ngân hàng Trung ương Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận.

Không có đề nghị nào cho rằng Việt Nam làm việc sai trái. Nhiều ngân hàng trung ương can thiệp thường xuyên vào thị trường tiền tệ. Việt Nam luôn nói là chính sách tiền tệ của nước này nhằm gìn giữ sự ổn định và kiểm soát lạm phát, chứ không tìm lợi thế trong thương mại.

“Chúng tôi không có gì công bố để chia sẻ vào lúc này,” một giới chức Ngân khố nói trong một email để trả lời yêu cầu của Reuters về việc thi hành chính sách ngoại hối của Việt Nam.

Việt Nam được xem như tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ khi việc sản xuất hàng hóa điện tử và những mặt hàng khác ngày càng chuyển sang nước Đông Nam Á này, đặc biệt từ Trung Quốc sau cuộc thương chiến với Washington.

Giá trị tiền đồng cao hơn giữa lúc đại dịch là điều không có lợi và có thể làm tổn hại đến tăng trưởng.

Ông Nguyễn Xuân Bình, người đứng đầu nghiên cứu tại Công ty KB Securities ở Hà Nội, và quen thuộc với những giao dịch nhưng không liên quan trực tiếp tới việc này, nói việc hoãn giao đồng đô la có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Việt Nam có thể tránh tạo nên một trong những điều kiện đằng sau nhãn hiệu của Mỹ: mua đồng đô la trong 6 của 12 tháng liên tiếp.

Phúc trình bán niên của Bộ Ngân khố gởi cho Quốc hội Hoa Kỳ, có nội dung nghiên cứu chính sách tỉ giá hối đoái của những đối tác thương mại chính, nói trong tháng 12/2020 là, việc quản lý tiền tệ của Việt Nam nhằm tạo nên “một lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.”

Phúc trình nói Việt Nam hội đủ tất cả những điều kiện làm phát sinh việc chỉ định thao túng tiền tệ, trong đó có việc “thường xuyên, can thiệp một chiều” trong thị trường tiền tệ.

Hệ quả đối với Việt Nam nếu có những can thiệp thêm nữa sau khi đã bị gán nhãn “thao túng tiền tệ” là khiến Mỹ phản ứng, chẳng hạn đánh thêm thuế lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Việc duyệt xét của Mỹ được ấn định vào tháng 4.

Ảnh hưởng thị trường

Theo thỏa thuận vào tháng 1/2021, Ngân hàng Trung ương Việt Nam đề nghị với các ngân hàng địa phương một tỉ giá cao hơn thị trường là 23.125 đồng/1 đô la, theo như ba nguồn tin và những văn bản giao dịch do ngân hàng trung ương gởi ra. Tỉ giá này là số tiền cộng thêm khoảng 0,5% trên giá hiện tại.

Nếu tiền đồng Việt Nam tăng cao thêm giữa tháng Giêng và tháng Sáu, thì sẽ gia tăng số tiền trả thêm vào giá hiện hữu tại thị trường cho các ngân hàng. Còn nếu tiền đồng yếu hơn xuống dưới mức 23.125 đồng/1 đô la, thì các ngân hàng địa phương có thể hủy bỏ thỏa thuận và thay vào đó bán đô la trên thị trường hiện hữu.

Reuters không thể xác nhận mức độ can thiệp của Ngân hàng Trung ương Việt Nam, nhưng ba người giao dịch nói việc can thiệp này đủ lớn để tạo ra mức cầu đồng đô la trên thị trường, tạo áp lực nhỏ hơn lên tiền đồng Việt Nam.

Trị giá đồng tiền tại thị trường chợ đen, nơi tiền đồng Việt Nam thường được trao đổi trong nền kinh tế thực sự, đã giảm 1,1% vào lúc các nhà giao dịch nói mức cung đồng đô la có thể đã cạn kiệt.

Hợp đồng mua bán trong tương lai bất thường

Những giao dịch mới của Ngân hàng Trung ương Việt Nam tương tự lối mua bán mà thị trường gọi là “forwards”, trong đó các bên trao tiền vào một ngày trong tương lai ở một tỉ giá đã được thỏa thuận, ba nguồn tin cho biết.

Hợp đồng “forwards” tạo một số thuận lợi cho ngân hàng trung ương. Những hợp đồng này không đòi hỏi trả tiền mặt trước và có thể giúp dễ dàng phản ứng khi có sự thay đổi bất ngờ trong số tiền dự trữ. Thật vậy những hợp đồng này phổ biến đối với các ngân hàng trung ương Châu Á khác, như tại Ấn Độ, Đài Loan và Hàn Quốc.

Tuy nhiên bốn người quen thuộc với việc mua bán này nói những thỏa thuận của SBV không phải là những hợp đồng tương lai kiểu mẫu, vì họ cho các ngân hàng giải pháp hủy thỏa thuận mà không có những chi phí đáng kể.

Hai trong số nguồn tin này nói SBV trước đây đã đưa ra những giải pháp tương tự, khoảng năm 2015. Thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương Việt Nam bán đô la theo hình thức forwards để hỗ trợ giá trị tiền đồng đang tuột dốc.

Vì SBV trước đây thích sử dụng những hợp đồng mua bán trong tương lai với giá cả đã thỏa thuận trước 3 tháng, tất cả 6 nguồn tin quen thuộc với việc mua bán nói việc chuyển sang một khung thời gian dài hơn cho thấy một mong muốn mua thời gian trước khi việc can thiệp gây sự chú ý hay áp lực của Mỹ.

Ngân hàng Trung ương Việt Nam không trả lời những câu hỏi về phương pháp của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG