Chính phủ Việt Nam đã đề nghị các ngân hàng thương mại trong nước khoanh nợ, giãn nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, gọi tắt là Vinashin, đang bị chìm ngập trong nợ nần.
Bản tin hôm thứ Sáu của hãng thông tấn Đức trích nguồn tin của báo Tuổi trẻ cho hay Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc rà soát, đối chiếu công nợ của Vinashin tại các ngân hàng thương mại và khoanh nợ, giãn nợ đến hết năm 2011 cho Vinashin.
Cũng theo bản tin này, ông Hùng, trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng và báo cáo trưởng ban chỉ đạo phương án xử lý, đàm phán trả nợ các chủ nợ nước ngoài.
Tập đoàn Vinashin đã phát hành 187 triệu đôla trái phiếu và vay nợ 600 triệu đôla vào năm 2007.
Ông Hùng cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo để trình Thủ tướng tạm ứng và cấp bù vốn điều lệ cho Vinashin. Trong quyết định của Thủ tướng Việt Nam về việc chuyển công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, có quy định vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi là 14.655 tỷ đồng.
Theo DPA, hiện chưa rõ số vốn điều lệ mà chính phủ đã cấp cho Vinashin cho tới thời điểm này là bao nhiêu. Trong một cuộc họp báo hôm 4/8, ông Hùng cho hay chính phủ đã cấp cho tập đoàn này 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không trùng hợp với các số liệu đăng trên báo chí Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam thì con số này cao hơn rất nhiều.
DPA cũng trích tin tức trên trang web của tập đoàn Vinashin cho biết chính phủ đã cấp cho một đơn vị của Vinashin là công ty đóng tàu Hạ Long 200 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Vinashin có trị giá 90 ngàn tỷ đồng, trong khi số nợ bằng các loại tiền tệ khác nhau lên tới 4,6 tỷ đôla tức là hơn 80 ngàn tỷ đồng.
Hồi tháng trước, chủ tịch Vinashin, ông Phạm Thanh Bình, 57 tuổi, bị bắt để điều tra về hành vi “cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.”
Hơn 5.000 công nhân của Vinashin đã mất việc làm và tập đoàn này cũng đã không thể trả số tiền lương và bảo hiểm xã hội cho công nhân lên tới 234 tỷ đồng.
Các nhà phân tích cho rằng Vinashin đã trải qua một giai đoạn khuếch trương cẩu thả vì sự giám sát lỏng lẻo của nhà nước. Trong khi đó, một số kinh tế gia chỉ trích chính phủ đã dung dưỡng Vinashin, trong đó có khoản cho vay trị giá 750 triệu đôla bằng việc bán trái phiếu hồi năm 2005.
Nguồn: DPA, Tuoi Tre
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1