Mức tín nhiệm nợ chính phủ của Việt Nam đã bị công ty xếp hạng tín dụng Fitch hạ thấp vì có sự lo ngại đối với chính sách kinh tế “thiếu nhất quán”, dự trữ ngoại tệ và hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Các hãng thông tấn Bloomberg và AFP trích dẫn thông báo ngày 28 tháng 7 của công ty Fitch cho biết định mức tín nhiệm về nợ dài hạn phát hành bằng ngoại tệ và nội tệ của Việt Nam đã giảm một bậc, từ BB- xuống B+.
Thông báo của Fitch cho biết mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam đã giảm vì các dòng vốn từ bên ngoài yếu đi và nhu cầu tài trợ từ bên ngoài gia tăng trong lúc khung chính sách kinh tế vĩ mô thiếu tính chất nhất quán.
Bà Ai Ling Ngiam, Giám đốc bộ phận nợ công khu vực châu Á của công ty Fitch, cũng đề cập tới “nền kinh tế bị đô la hóa ở mức độ cao” và “hệ thống ngân hàng yếu kém” như những yếu tố làm giảm mức tín dụng của Việt Nam.
Tháng trước Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã xuống tới mức tương đương với kim ngạch nhập khẩu trong 7 tuần lễ từ mức gần 2 tháng rưỡi của tháng 12 năm ngoái. Tổ chức tài chánh quốc tế này ước tính rằng thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức 9,9% của GDP, giảm từ mức 10,4% của năm 2009.
Hãng tin Bloomberg trích lời ông Matt Hildebrandt, một kinh tế gia ở Singapore làm việc cho ngân hàng đầu tư JP Morgan Chase, nói rằng nợ nước ngoài của Việt Nam nằm ở mức có thể lo liệu được.
Ông nói thêm rằng quyết định giảm mức tín dụng của Fitch là thỏa đáng vì phẩm chất tín dụng của Việt Nam yếu hơn những nước khác trong khu vực, như Indonesia và Philippines, nhưng ông không nghĩ rằng công ty Ficth sẽ giảm thêm thứ hạng tín dụng của Việt Nam và ông tin là mối rủi ro không trả được nợ nằm ở mức rất thấp.
Nguồn: Bloomberg, AFP
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1