Việt Nam thông báo kế hoạch phát triển kinh tế và quốc phòng trị giá khoảng 8,5 tỷ đôla tại các hòn đảo dọc theo bờ biển giàu tài nguyên, giữa lúc vẫn còn tranh cãi về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Theo tin AFP, kế hoạch phát triển 10 năm sẽ được thực hiện tại một loạt các đảo từ Phú Quốc gần Campuchia thuộc vùng tây nam cho tới Cát Bà ở Hải Phòng ở phía bắc gần Trung Quốc.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đảo từ nay đến 2020 khoảng 162,5 ngàn tỷ đồng (tức khoảng 8,5 tỷ đôla), trong đó vốn cho giai đoạn 2010-2015 khoảng 51,8 ngàn tỷ đồng được huy động từ các nguồn ngân sách, các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn nước ngoài.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ‘Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020’ mới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành với mục tiêu ‘xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển đảo’ của Việt Nam.
Tin cho hay, để phục vụ mục tiêu này, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu trên các đảo như cầu cảng, giao thông, điện, nước, thông tin và hạ tầng xã hội ‘sẽ được tập trung xây dựng nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, kết nối các đảo với đất liền và bảo vệ vững chắc vùng biển’ của Việt Nam.
Hãng thông tấn của Pháp trích dẫn quy hoạch của chính phủ Việt Nam cho hay, tuyến phòng thủ này bao gồm cả Trường Sa, dù quần đảo ở khu vực biển Đông không có trong danh sách ‘các đảo trọng điểm’ trong quy hoạch phát triển kinh tế.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, chính phủ Việt Nam sẽ ‘triển khai đồng bộ các giải pháp liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học’ để đáp ứng các mục tiêu mà quy hoạch trên đề ra.
Hiện nay, đóng góp của kinh tế biển đảo trong nền kinh tế cả nước là 0,2%. Và theo kế hoạch phát triển, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 0,5% trong mười năm nữa.
Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường quốc phòng giữa lúc tranh chấp về lãnh hải với Trung Quốc và các nước khác xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tiếp diễn.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Việt Nam thông báo một thỏa thuận mua vũ khí lớn với Nga trị giá hàng tỷ đôla, trong đó có việc mua sáu tàu ngầm.
AFP dẫn lời các nhà phân tích nói rằng thỏa thuận này nhằm tăng cường khả năng quốc phòng cũng như tuyên bố chủ quyền biển đảo của Việt Nam trước Trung Quốc.
Nguồn: AFP, VNA
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1