Đường dẫn truy cập

Việt Nam bác cáo buộc hỗ trợ tấn công mạng TQ để tìm dữ liệu Covid-19


Công ty an ninh mạng của Mỹ nói rằng các cuộc tấn công của APT32 được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin về dịch COVID-19.
Công ty an ninh mạng của Mỹ nói rằng các cuộc tấn công của APT32 được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin về dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/4 lên tiếng bác bỏ báo cáo của công ty an ninh mạng hàng đầu ở Mỹ cho rằng một nhóm tin tặc “được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn” đã cố xâm nhập vào các cơ quan của chính phủ Trung Quốc để tìm kiếm dữ liệu về COVID-19 nhằm ngăn chặn sự bùng phát chủng virus mới này.

“Đây là những thông tin không có cơ sở”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 23/4.

“Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng vào các tổ chức, cá nhân, dưới bất kỳ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, ông Thắng nói thêm.

Trước đó, hôm 22/4, công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ công bố một nghiên cứu cho thấy nhóm tin tặc APT32, được xem là “do chính phủ Việt Nam hậu thuẫn”, đã nhắm mục tiêu vào chính phủ Trung Quốc để thu thập thông tin về cách Bắc Kinh xử lý dịch COVID-19.

Theo FireEye, các cuộc tấn công mạng của nhóm tin tặc Việt Nam vào Bộ Quản lý Khẩn cấp của Trung Quốc cũng như các quan chức chính quyền ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch COVID-19, xảy ra từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020.

Nỗ lực tấn công đầu tiên của nhóm này được ghi nhận vào ngày 6/1, một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố cảnh báo đầu tiên về dịch COVID-19.

Chiêu thức tấn công của APT32 là gửi email cho các quan chức Trung Quốc về các báo cáo giá thầu thiết bị văn phòng, trong đó có chứa các đường dẫn và mã máy tính để từ đó gửi báo cáo về lại cho tin tặc.

Công ty an ninh mạng của Mỹ nói rằng các cuộc tấn công của APT32 được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin về dịch COVID-19.

Kể từ khi đại dịch mới bắt đầu, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự bùng phát của chủng virus corona mới. Cho tới nay, Việt Nam công bố chỉ có 268 ca nhiễm COVID-19 và chưa có ca tử vong nào.

Tại cuộc họp báo ngày 23/4, Phó phát ngôn viên Ngô Toàn Thắng nói Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để chống lại các hành vi tấn công mạng.

Trước đó, tình báo Hoa Kỳ cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã che giấu thông tin về tình trạng bùng phát virus corona. Chính quyền của Tổng thống Trump nói với đài CNBC hồi tháng 2 rằng Nhà Trắng không tin tưởng vào thông tin về COVID-19 của Trung Quốc.

Tình trạng mất niềm tin được cho là sẽ thúc đẩy các quốc gia tin tưởng vào các nhóm tin tặc hơn là hợp tác với các quốc gia khác.

“Cuộc khủng hoảng COVID-19 đặt ra mối lo ngại hiện hữu lớn đối với các chính phủ, và bầu không khí thiếu tin tưởng hiện nay đang khuếch đại tình trạng bất ổn, khuyến khích việc thu thập thông tin tình báo tương tự như quy mô đối đầu xung đột vũ trang”, nhóm nghiên cứu FireEye đưa ra kết luận trong báo cáo.

Nhóm nghiên cứu Mỹ cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công mạng với mục tiêu gián điệp trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, đặc biệt nhắm vào các cơ quan chính phủ trên toàn cầu.

Hôm 22/4, Google cho biết các gián điệp mạng được chính phủ nước ngoài hậu thuẫn đang sử dụng các bữa ăn miễn phí để lừa nhân viên chính phủ Hoa Kỳ tiết lộ thông tin đăng nhập vào các trang mạng của chính phủ Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG