Ông Tô Lâm, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (cho đến ngày 21 tháng 10, ông Lương Cường được Quốc hội Việt Nam bầu vào vị trí Chủ tịch nước thay ông Tô Lâm) vừa dõng dạc tuyên bố: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của đảng, mọi sự phấn đấu của đảng, nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc [1].
Vào lúc này, với hiện trạng kinh tế - xã hội như đã biết và đang thấy, đa số người Việt có thể tự trả lời vế sau: Cuộc sống của họ có ấm no và hạnh phúc? Còn vế đầu thì không cần ngoái lại phía sau hay nhóng về phía trước, chỉ cần nhìn vào những sự kiện mới nhất, tự nhiên sẽ nhận ra đối tương nào mới là “chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối và sự phấn đấu của đảng”?..
***
Trung tuần tháng này, Thanh tra của chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam (TTCP) công bố kết luận đợt thanh tra về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương trong giai đoạn từ 2011 – 2019. Theo đó, cả tám trường hợp bị thanh tra đều xảy ra sai phạm nghiêm trọng đến mức cần phải chuyển cho công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo những gì đã được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam tường thuật thì TTCP không thống kê và không công bố tổng thiệt hại do các loại sai phạm như: Định giá đất thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực. Dùng đất làm vốn để góp vào các liên doanh rồi chuyển phần vốn thuộc nhà nước cho đối tác với giá rẻ như bèo. Cố tình làm trái quy hoạch đã được phê duyệt (ví dụ thu hồi đất, giao đất để xây dựng nhà trẻ theo quy hoạch nhưng cuối cùng lại giao đất để xây dựng chung cư thương mại) thành ra không thể hợp thức hóa quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người mua và hành vi này chẳng khác gì lừa đảo. Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất một cách tùy tiện, chênh lệch do miễn giảm tiền sử dụng đất tùy tiện gây ra thiệt hại từ vài chục ngàn tỉ đến hơn 220.000 ngàn tỉ...
***
Cần lưu ý, đợt thanh tra vừa đề cập chỉ là một trong nhiều đợt thanh tra về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các DNNN khi giải tư (cổ phần hóa). Nếu không xây dựng CNXH thì sẽ không có hệ thống DNNN từ trung ương đến địa phương nhưng DNNN lại là một trong những yếu tố khiến quốc gia lụn bại đến mức Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 10 (2006 – 2011) phải quyết định xóa bỏ tình trạng DNNN độc quyền hoặc được hưởng đặc quyền sản xuất, kinh doanh như “then chốt của nền kinh tế”. Tuy nhiên giải tư lại tạo ra một loại đại họa khác cho xứ sở. Giải tư tạo ra cơ hội cho nhiều cá nhân, nhiều nhóm biến tài sản nhà nước vốn thuộc sở hữu toàn dân thành tài sản riêng mà cả TTCP lẫn Kiểm toán Nhà nước cùng phải thừa nhận đã gây thất thoát “nhiều ngàn tỉ đồng” [3].
Song người Việt chưa thể đoạn tuyệt nghiệt duyên với DNNN bởi năm 2021, BCH TƯ đảng khóa này (2021 – 2026) vẫn xác định... phải duy trì DNNN trong các lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh vì kinh tế nhà nước là công cụ, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các “khuyết tật” của cơ chế thị trường nhằm bảo đảm bản sắc của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN [4]! Bất kể báo cáo của chính phủ về hiệu quả hoạt động của khối DNNN trong năm 2020 tiếp tục cung cấp thêm nhiều số liệu đáng giận: So với năm 2019, tổng vốn đầu tư vào DNNN của nhà nước đã tăng thêm 2% và ở mức khoảng 1 triệu 597 ngàn tỉ đồng, dẫu tổng vốn đầu tư tiếp tục tăng nhưng tổng doanh thu và lãi vẫn tiếp tục giảm rất sâu.
Chỉ so với 2019, tổng doanh thu của khối DNNN trong 2020 giảm khoảng 12 %, tổng lãi tính trước thuế giảm khoảng 22%. Nếu tính riêng năm 2019, khoảng 15% DNNN thuộc nhóm này lỗ nặng, tổng lỗ (lỗ phát sinh) là 15.740 tỉ. Khoảng 21% DNNN rơi vào tình trạng tổn thất tài sản (lỗ lũy kế), tổng giá trị tài sản bị tổn thất khoảng 33.750 tỉ đồng. Cũng theo báo cáo ấy, 73 tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước, cộng ty mẹ - con cũng không khá hơn. Tổng lỗ trong năm 2019 của những tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con này là 3.262 tỉ. Khoảng 18/73 tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước, cộng ty mẹ - con, rơi vào tình trạng tổn thất tài sản (lỗ lũy kế), tổng giá trị tài sản bị tổn thất khoảng 17.500 tỉ đồng. Đó là chưa kể những DNNN độc lập do bộ, ngành chính quyền địa phương trông coi, mức độ thua lỗ trong năm 2019 khoảng 2.000 tỉ đồng nữa [5]...
***
Cho dù thực tế buộc giới lãnh đạo đảng CSVN phải đẩy DNNN từ vị trí... “chủ đạo của nền kinh tế” sang... “giữ vai trò. then chốt khi xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN để khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường” nhưng dù được bơm và đã hút gần như toàn bộ nội lực quốc gia song DNNN chỉ dẫn đầu về... chỉ số nợ - tổng nợ/tổng vốn (3,6 lần), hơn gấp đôi so với doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc – FDI (1,6 lần) và gần gấp đôi doanh nghiệp tư nhân (2 lần). Bạch thư về Doanh nghiệp 2021 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, DNNN thua doanh nghiệp tư nhân nhiều tiêu chí liên quan đến hiệu quả hoạt động như chỉ số quay vòng vốn (tổng doanh thu thuần/tổng vốn bình quân), hoặc doanh nghiệp FDI về hiệu suất sinh lợi (khả năng sinh lợi của tài sản) [6]...
Sau việc làm quốc gia khánh kiệt, “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” mở thêm lối cho nhiều đảng viên trung kiên trở thành tư sản đỏ qua... giải tư! Cuối năm 2020, KTNN công bố kết quả kiểm toán 30 DNNN đã được cổ phần hoá và phát giác, những... lỗ hổng trong định giá, chuyển đổi quyền sở hữu tài sản cả hữu hình lẫn vô hình gây thiệt hại khoảng 30.000 tỉ đồng. Không chỉ mất tiền mà còn mất cả đất đã giao cho DNNN. Về nguyên tắc, nhà nước chỉ là tập thể được ủy nhiệm quản trị - điều hành quốc gia, tiền hay tài sản của nhà nước là tiền và tài sản của dân giao cho nhà nước quản lý, sử dụng. Nợ nần, thất thoát do DNNN gây ra, dân lãnh trọn!
Năm 2022, Thủ tướng Việt Nam phê duyệt “Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” mà mục tiêu chính là thu hồi “ít nhất 248.000 tỉ” để “thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và trả nợ công trong năm năm từ 2021 đến 2025” [8]. Đề án khiến những người quan tâm đến quan hệ giữa DNNN với kinh tế quốc gia băn khoăn bởi ước đoán số thu tối thiểu chỉ khoảng “248.000 tỉ” rõ ràng là quá... khiêm tốn. Chẳng lẽ chỉ trong hai năm (2020 và 2021), tổng giá trị của các DNNN giảm đến ¾, từ cả triệu tỉ xuống còn chưa tới ¼ của triệu tỉ, hay con số 248.000 tỉ chỉ là “cơ cấu lại” một số “tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”, rồi đề án có tính đến những DNNN khác mà tổng giá trị tài sản cỡ vài trăm ngàn tỉ nữa hay không, khi hoàn tất giải tư theo kiểu như đã biết thì còn bao nhiêu?
***
Kết luận mới nhất của TTCP về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương từ 2011 – 2019 không chỉ khiến thiên hạ thêm phần ngán ngẩm. Kết luận đó cho thấy, khi đảng còn kiên quyết đeo đuổi mục tiêu xây dựng CNXH để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyết đối thì nội lực quốc gia còn thất tán và sự khốn khổ không có điểm dừng.
Chú thích
[5] https://thanhnien.vn/nhieu-ong-lon-nha-nuoc-thua-lo-hang-chuc-ngan-ti-post1392129.html
[6] https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/01-Sach-trang-DNVN-2021-phan-tich.pdf
Diễn đàn