Đường dẫn truy cập

Úc một lần nữa hủy thị thực của Novak Djokovic


Novak Djokovic trong một buổi tập ở Melbourne hôm 14/1 trước giải Úc Mở rộng
Novak Djokovic trong một buổi tập ở Melbourne hôm 14/1 trước giải Úc Mở rộng

Úc hủy thị thực của Novak Djokovic lần thứ hai hôm 14/1 và nói rằng tay vợt số một thế giới chưa được chích ngừa COVID-19 có thể gây ra nguy cơ sức khỏe. Điều này trên thực tế chấm dứt hy vọng của Djokovic lập kỷ lục 21 Grand Slam tại Úc Mở rộng.

Bộ trưởng Di trú Úc Alex Hawke đã dùng quyền quyết định để một lần nữa hủy thị thực của Djokovic, sau khi tòa án đã bác bỏ việc thu hồi thị thực của anh trước đó và phóng thích anh ra khỏi khách sạn giam người di trú hôm 10/1. Hiện chưa rõ liệu anh ta có bị giam giữ trở lại hay không.

Việc hủy thị thực này dựa trên lý do sức khỏe và trật tự, trên cơ sở đó là vì lợi ích chung, tuyên bố của ông Hawke cho biết.

Theo quy định của Đạo luật Di trú được vận dụng để hủy bỏ thị thực, Djokovic sẽ không thể xin thị thực đến Úc trong vòng ba năm, ngoại trừ trong những trường hợp cấp thiết ảnh hưởng đến lợi ích của nước Úc.

Quyết định này có thể dẫn đến khả năng ngôi sao quần vợt Serbia một lần nữa kiện ra tòa để anh có thể được ở lại và tranh giải Úc mở rộng bắt đầu từ đầu tuần tới.

Một nguồn tin thân cận với đội ngũ của Djokovic xác nhận rằng anh đang xem xét quyết định và cân nhắc các lựa chọn.

Những tranh cãi xung quanh Djokovic đã có ý nghĩa quan trọng vượt ra ngoài khuôn khổ quần vợt: nó làm nóng lên cuộc tranh luận toàn cầu về quyền của những người chưa được tiêm chủng và trở thành một vấn đề chính trị rắc rối cho Thủ tướng Scott Morrison khi ông đối mặt với cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm.

Trong khi chính phủ của ông Morrison giành được sự ủng hộ trong nước với lập trường cứng rắn về an ninh biên giới trong đại dịch, họ không tránh khỏi bị chỉ trích về cách xử lý vụng về thị thực của Djokovic.

“Người Úc đã mất mát nhiều trong đại dịch này, và họ hoàn toàn chính đáng khi mong chờ kết quả của những hy sinh đó được gìn giữ,” ông Morrison nói trong một tuyên bố.

Djokovic, người hoài nghi vaccine, là nguồn cơn gây ra cơn phẫn nộ trong công chúng Úc khi anh thông báo hồi tuần trước rằng anh sẽ đến Melbourne bằng đặc cách y tế trước yêu cầu mọi người đến Úc phải được chích ngừa COVID-19.

Khi anh đến nơi, Lực lượng Biên phòng Úc đã quyết định đặc cách của anh là không hợp lệ và đưa anh ta vào một khách sạn giam giữ người nhập cư cùng với những người xin tị nạn trong vài ngày.

Ông Hawke cho biết ông đã xem xét cẩn thận thông tin từ Djokovic và chính quyền Úc, và nói thêm rằng chính phủ Úc ‘cam kết vững chắc bảo vệ biên giới, nhất là trước đại dịch COVID-19’.

Úc đã gánh chịu lệnh phong tỏa thuộc loại lâu nhất thế giới và có tỷ lệ tiêm chủng người trưởng thành đạt 90%. Nước này đã chứng kiến đợt bùng phát Omicron với gần một triệu ca nhiễm trong hai tuần qua.

Tay vợt số bốn thế giới người Hy Lạp Stefanos Tsitsipas, phát biểu rằng Djokovic ‘chơi theo luật riêng’ và khiến các tay vợt đã chích ngừa ‘giống như đồ ngốc’.

“Không ai thực sự nghĩ rằng họ có thể đến Úc mà không phải chích ngừa và không phải tuân theo các quy trình,” Tsitsipas nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức WION của Ấn Độ.

Một cuộc thăm dò trực tuyến của hãng truyền thông News Corp cho thấy 83% số người được hỏi ủng hộ chính phủ Úc trục xuất ngôi sao quần vợt này.

“Scott Morrison đã có quyết định hợp lý là tống cổ ngôi sao quần vợt giàu có về nước sau khi tính toán cái giá khổng lồ về chính trị của việc đặc cách cho anh ta,” David Crowe, phóng viên chính trị chính của tờ Sydney Morning Herald và tờ Age, viết.

Lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Anthony Albanese nói: “Lẽ ra không bao giờ đi đến mức này... Làm sao mà thị thực được cấp hồi đầu nếu anh ta không đủ điều kiện vì anh ta chưa được chích ngừa đầy đủ.”

Những người chống vaccine đã ca ngợi Djokovic như anh hùng trong khi gia đình anh và chính phủ Serbia miêu tả anh là ‘nạn nhân bị đàn áp’.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG