Hạ viện Hoa Kỳ hoãn biểu quyết về dự luật PNTR cho Việt Nam

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ đã quyết định tạm thời không đưa ra biểu quyết lại dự luật dành cho Việt Nam qui chế quan hệ mậu dịch bình thường vĩnh viễn, tức PNTR, sau khi dự luật này gặp thất bại bất ngờ trong cuộc biểu quyết hồi tối thứ hai.

Thủ tục lập pháp nhằm dành cho Việt Nam qui chế PNTR, có thời từng được gọi là qui chế Tối Huệ Quốc, đã gặp phải thất bại bất ngờ hôm thứ hai trong lúc tổng thống Bush hy vọng Quốc hội thông qua dự luật này trước khi ông tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Tuy có số phiếu thuận cao hơn số phiếu chống, nhưng theo thủ tục biểu quyết dành cho những dự luật được gọi là “không mang tính chất tranh cãi” thì dự luật này còn thiếu 32 phiếu mới có được đa số 2/3 cần thiết để được thông qua. Các dân biểu thuộc đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ đưa dự luật này ra biểu quyết lại dựa theo thủ tục thông thường để có thể thông qua với đa số quá bán.

Tuy nhiên, dân biểu John Boehner, lãnh tụ phe đa số, nói rằng dự luật sẽ không được nộp lại trong tuần này. Ông nói thêm rằng Hạ viện sẽ cứu xét lại dự luật này trước khi quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát nghỉ họp.

Việc dành cho Việt Nam qui chế PNTR là một vấn đề thương mại thuộc ưu tiên cao trong nghị trình làm việc của tổng thống Bush. Ông cũng hy vọng là một hiệp định thương mại khác ký kết với Peru và các quốc gia vùng núi Andes ở Mỹ châu La tinh sẽ được quốc hội thông qua trong vài tuần lễ tới đây.

Hôm thứ hai, nhiều chính khách của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bày tỏ lập trường tương tự như lập trường của chính phủ của tổng thống Bush là PNTR sẽ có ích cho nỗ lực dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Một số nhà lập pháp khác thì phản đối lập trường này. Dân biểu Bill Thomas, thuộc đảng Cộng hòa, cho biết như sau về việc này:

Vẫn còn có nhiều mối quan tâm về thành tích nhân quyền và tự do tôn giáo. Việc Việt Nam quyết định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới không có nghĩa là họ cũng quyết định gia nhập cộng đồng các nước văn minh trong tất cả mọi lãnh vực, xét về cách đối xử của họ đối với dân chúng của mình và đối với những nước khác.

Bên cạnh đó, cuộc thảo luận tại Hạ viện Mỹ cũng tập trung vào vấn đề liên quan tới các biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa việc hàng dệt may của Việt Nam có thể bán phá giá vào thị trường Hoa kỳ. Đây là một mối quan tâm chính của các dân biểu đại diện cho những tiểu bang có nhiều công ty dệt may.

Những người ủng hộ dự luật PNTR cho Việt Nam nói rằng mối quan tâm về vấn đề bán phá giá đã được giải quyết với những sự thay đổi trong dự luật. Nhưng dân biểu Sander Levin, thuộc đảng Dân chủ, không tán đồng ý kiến đó. Ông nói:

Chính phủ của tổng thống Bush đã không thương thuyết về điều khoản nhằm ngăn ngừa tình trạng các loại hàng hóa nhập khẩu tăng vọt, mà cũng không thương thuyết về vấn đề hàng dệt may tăng vọt. Cả hai điều khoản này đều có trong hiệp định để Trung quốc gia nhập WTO. Tôi cho rằng đây là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một sai lầm nghiêm trọng, một điều không nên tái diễn.

Trong khi đó, có tin cho hay dự luật PNTR vẫn còn gặp trở ngại tại Thượng viện vì có hai vị thượng nghị sĩ vẫn còn đang xem xét một kế hoạch của Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ nhằm theo dõi số lượng quần áo mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sau khi trở thành hội viên WTO.