Bắc Kinh thử thách quyết tâm của khu vực trong vấn đề Biển Đông

Tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines cho Bãi Cỏ Mây ngày 5/3/2024.

Trong khi Mỹ và các quốc gia khác có cùng chí hướng tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông thì các tàu của Trung Quốc đã hung hăng khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trên tuyến đường thủy đang tranh chấp gay gắt này, thử thách quyết tâm của Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Tuần trước, hôm 26 tháng 9, Trung Quốc đã sử dụng hai tàu phi đạn và một tia laser cường độ cao để phá vỡ nỗ lực của Philippines khi Manila muốn cung cấp hàng tiếp tế cho ngư dân địa phương gần Bãi Trăng Khuyết, một đảo san hô nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

Hôm 29/9, tin cho hay lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã tấn công ngư dân Việt Nam bằng ống sắt, tịch thu thiết bị đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa.

Một phúc trình mới của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á có trụ sở tại Washington công bố hôm 1/10 đã nêu bật cách các tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động “suốt ngày đêm” trong năm nay tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền khi quốc gia giàu tài nguyên này đang cố gắng mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Vào ngày 3/10, tờ Washington Post cũng đưa tin rằng các tàu Trung Quốc đã phá hoại việc sửa chữa và xây dựng các tuyến cáp ngầm chạy dưới Biển Đông.

Trung Quốc củng cố

Các nhà phân tích cho biết những hành động này cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng thử thách quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của họ vào thời điểm Hoa Kỳ đang tập trung vào cuộc xung đột ở Trung Đông.

Ông Collin Koh, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore, nói: “Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Trung Đông đã khuyến khích Trung Quốc và tạo điều kiện cho họ thử thách người Mỹ hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đang sử dụng các hành động vật lý và đấu tranh pháp lý để cố gắng thay đổi hoàn toàn tình hình ở Biển Đông.

Philippines đã mô tả hành vi quấy rối tàu thuyền của Bắc Kinh là “vô trách nhiệm, nguy hiểm và khiêu khích”, trong khi Hà Nội cho biết vụ tấn công vào ngư dân Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của mình và luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu của VOA liên quan đến hành vi quấy rối tàu thuyền của Philippines.

Bình luận về vụ tấn công ngư dân, Bắc Kinh tuyên bố lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Quần đảo này cách Trung Quốc và Việt Nam một khoảng cách bằng nhau, nhưng Bắc Kinh đã duy trì quyền kiểm soát trên thực tế đối với các đảo này kể từ khi chiếm giữ chúng vào năm 1974 sau một cuộc đụng độ với lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cải tạo đất đai và thiết lập các cơ sở quân sự tại quần đảo Hoàng Sa, bao gồm một đường băng và bến cảng nhân tạo.

Mặt trận mới

Ông Koh nói với VOA rằng vụ việc gần Bãi Trăng Khuyết, xảy ra sau khi tàu tuần duyên Trung Quốc và Philippines va chạm hai lần gần bãi cạn Sa Bin kể từ tháng 8, cho thấy Bắc Kinh có thể đang “mở một mặt trận mới” chống lại Manila.

“Philippines muốn áp dụng thỏa thuận tạm thời mà họ đã đạt được với Trung Quốc về Bãi Cỏ Mây vào tháng 7 đối với các rạn san hô đang tranh chấp khác ở Biển Đông, nhưng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn mở rộng thỏa thuận trên khắp khu vực”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Trong khi Hoa Kỳ và các nước khác, bao gồm Úc, Nhật Bản và New Zealand, đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung hơn ở Biển Đông để chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng điều đó dường như không có tác dụng gì nhiều trong việc ngăn chặn khả năng của Bắc Kinh thách thức các nước láng giềng trong khu vực.

Ông Stephen Nagy, một chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Nhật Bản, đã nói với VOA qua điện thoại rằng “Cần phải có nhiều hợp tác song phương cụ thể hơn giữa các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines, bao gồm các cuộc tập trận chung, mở rộng các hoạt động nhận thức về phạm vi hàng hải hoặc các cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn”.

Vào tháng 1, Việt Nam và Philippines đã ký một thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát Biển đôi bên để ngăn ngừa các sự cố ở Biển Đông. Sau đó, vào tháng 8, Manila và Hà Nội đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của lực lượng Cảnh sát Biển, tập trung vào chữa cháy, cứu hộ và ứng phó y tế tại Vịnh Manila.

Ngoài hợp tác song phương giữa Philippines và Việt Nam, một số nhà quan sát khu vực cho rằng tất cả các nước Đông Nam Á có yêu sách lãnh thổ cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông nên xem xét khả năng thành lập một liên minh khu vực.

Một cơ chế như vậy “có khả năng phát triển thành một liên minh bảo vệ bờ biển được thiết kế riêng để giải quyết các hành động của Trung Quốc trong khu vực, và một liên minh như vậy sẽ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn và có thể bảo vệ hiệu quả hơn lợi ích của các quốc gia này ở Biển Đông”, Đặng Duẩn, một nhà phân tích an ninh hàng hải tại Việt Nam, trả lời VOA trong một phản hồi bằng văn bản.

Tuy nhiên, ông cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á “có vẻ quá yếu và chia rẽ” về các vấn đề liên quan đến Biển Đông để có thể đưa ra một mặt trận thống nhất.

Trong lúc Hoa Kỳ và Nhật Bản đều chuẩn bị cho các cuộc bầu cử lớn trong những tuần tới, ông Nagy cho rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng sử dụng “cơ hội” này để cố gắng “thu thập một số lợi ích chiến lược” ở Biển Đông