Brexit mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Nga?

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin.

Một số người đang cảm thấy lo lắng về việc nước Anh rời Liên hiệp Châu Âu có thể mang lại những lợi ích chiến lược cho Nga, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và tiếp tục hỗ trợ cho những phần tử đòi ly khai ờ miền đông Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ ba đã tìm cách xoa dịu những mối lo ngại khi ông phản bác những nhận định cho rằng Liên hiệp Châu Âu đang tan vỡ và sự đoàn kết giữa các nước thành viên EU với Mỹ đang sút giảm dần đối với những vấn đề then chốt trên thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn phát thanh hôm qua trên đài NPR, ông Obama nói “Châu Âu không thể quay mặt vào bên trong. Họ sẽ phải làm việc chung với chúng ta về vấn đề Trung Đông. Họ sẽ phải làm việc chung với chúng ta để ứng phó với một nước Nga hung hãn.”

Tổng thống Obama nói thêm rằng ông không dự kiến sẽ có “những sự thay đổi kịch liệt” và ông nêu ra tầm quan trọng của liên minh NATO và những quyền lợi chung giữa Mỹ và Châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc nước Anh rời Liên hiệp Châu Âu có thể sẽ có lợi cho những mưu đồ chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và tiếp tục hỗ trợ cho phiến quân đòi ly khai ở miền đông Ukraine.

Bà Alina Polyakova, Phó giám đốc Trung tâm Âu-Á Dinu Patriciu của Hội đồng Đại tây dương, cho biết “Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, nước Nga đã tìm cách gây bất ổn cho nền chính trị Châu Âu, gây tổn thương cho các giá trị dân chủ và làm suy yếu quyết tâm của Liên hiệp Châu Âu, nhất là đối với một chính sách chặt chẽ đối với Nga. Điều tôi muốn nói ở đây là những biện pháp chế tài.”

Hồi đầu tháng này, Liên hiệp Châu Âu gồm 28 nước thành viên đã gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp chế tài đối với Nga vì không tuân hành hiệp định Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Các biện pháp chế tài này nhắm vào các khu vực dầu lửa, tài chánh và quân sự của Nga.
Hoa Kỳ và Anh tiếp tục sát cánh với nhau đối với vấn đề chế tài Nga, nhưng lập trường của các nước khác trong Liên hiệp Châu Âu hồi gần đây đã bớt cứng rắn hơn.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Ý Matteo Renzi ủng hộ cho việc giảm bớt chế tài. Tháng tư năm nay, quốc hội Pháp thông qua một nghị quyết không có tính chất cưỡng hành để thu hồi các biện pháp chế tài của EU đối với Nga.

Ông Eric Shultz, Phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, cho rằng vấn đề chế tài Nga sẽ không thay đổi vì việc nước Anh rời khỏi EU.

Ông nói “Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi không dự kiến cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh sẽ có ảnh hưởng tới việc tiếp tục áp dụng các biện pháp chế tài đối với Nga.”

Giáo sư Angela Stent, một chuyên gia về Nga của Đại học Georgetown ở Washington, cho biết “Việc Anh bỏ phiếu rời EU dĩ nhiên là sẽ làm cho liên hiệp này yếu đi.” Nhưng bà nói thêm rằng “Brexit có những hậu quả chưa thể biết được và chưa rõ Nga sẽ được hưởng lợi như thế nào từ việc này.”

Mặc dầu vậy, bà Stent cho rằng ông Putin muốn thấy E.U bị suy yếu. Bà nói “Những gì mà Điện Kremlin muốn là một trật tự toàn cầu mới, không phải là trật tự do Mỹ và các đồng minh Châu Âu áp đặt.”

Nhà phân tích Polyakova tán đồng nhận định đó và cho biết Nga muốn thương thuyết song phương thay vì đa phương.

Bà nói “Họ không muốn thương thuyết với một khối như EU. Họ có thể lợi dụng nước này chống nước kia và nhận được những gì họ muốn ở cấp song phương mà họ không thể nhận được ở cấp EU.”

Tổng thống Putin bác bỏ những tố cáo của Tây phương cho rằng ông đã tìm cách gây bất ổn cho Châu Âu bằng nhiều cách thức khác nhau, kể cả việc hậu thuẫn cho những nhóm cực hữu như Mặt trận Dân tộc ở Pháp.

Các chuyên gia cho biết Nga muốn bảo đảm là Liên hiệp Châu Âu duy trì sự ổn định kinh tế.

Bà Polyakova nói “Có một việc phù hợp với lợi ích của họ là Châu Âu tiếp tục tăng trưởng và giàu có và mua thêm dầu lửa và khí đốt của Nga.”