Trung Quốc: Ông Trần Quang Thành có thể nộp đơn xin xuất ngoại

  • Stephanie Ho

Nhân viên an ninh Trung Quốc chặn ngay lối ra vào bệnh viện, nơi ông Trần Quang Thành đang được chữa trị, không cho ký giả vào

Các giới chức Trung Quốc nói luật sư khiếm thị Trần Quang Thành được tự do nộp đơn xin xuất ngoại nếu ông muốn. Vụ việc còn đang diễn tiến liên quan đến nhân vật bất đồng chính kiến đã rời khỏi sứ quán Hoa Kỳ trước đây trong tuần, đã phủ một bóng mờ lên các cuộc đàm phán cấp cao thường niên giữa các giới chức Mỹ và Trung Quốc.

Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài

  • Phương Lệ Chi: Nhà vật lý thiên văn hàng đầu đã tỵ nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ 13 tháng, sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Ông rời Trung Quốc vào năm 1990 và vừa qua đời năm nay tại Mỹ.

  • Ngụy Kinh Sinh: Nhà hoạt động dân chủ chạy sang Hoa Kỳ vào năm 1997 sau hơn 14 năm trong tù.

  • Rebiya Kadeer: Sắc tộc Uighur, bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện sống tại Hoa Kỳ.

  • Ngô Nhĩ Khai Hy: Lãnh tụ sinh viên đào thoát khỏi Trung Quốc với sự giúp đỡ của một mạng lưới bí mật sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.

  • Liêu Diệc Vũ: Nổi tiếng về bài phỏng vấn “Xác chết biết đi” với những người sống bên lề xã hội Trung Quốc, ông chạy qua Đức vào năm 2011.

  • Dư Kiệt: Tác giả một cuốn sách chỉ trích Thủ tướng Ôn Gia Bảo, chạy sang Hoa Kỳ năm 2012 sau khi bị bắt giữ nhiều lần và bị đánh đập.

Các nhận định của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân dường như cho thấy một sự dịu bớt trong lập trường chính phủ Trung Quốc về ông Trần Quang Thành.

Ông Lưu nói nếu ông Thành muốn đi học ở nước ngoài, thì ông có thể nộp đơn xin theo đúng các thủ tục thường lệ và qua các kênh giống như bất kỳ công dân nào khác của Trung Quốc.

Đáp lại một câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có nhận được lời xin lỗi của Hoa Kỳ theo như lời yêu cầu của họ hay không, ông Lưu nói Bắc Kinh nhận thấy rằng Washington đã coi trọng các mối quan tâm và đòi hỏi của họ.

Ông Trần hiện đang được điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Kinh vì bị trẹo chân. Tháng trước, ông đã thực hiện một cuộc bỏ trốn táo bạo ra khỏi tình trạng bị quản thúc tại gia nghiêm ngặt ở tỉnh Sơn Đông, và đã làm cả thế giới sững sờ khi xuất hiện tại Sứ quán Hoa Kỳ.

Ông rời khỏi phái bộ Mỹ hôm thứ tư, 1 ngày trước khi diễn ra các cuộc đàm phán cấp cao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và đã được hộ tống đến một bệnh viện ở địa phương. Thoạt đầu ông muốn ở lại Trung Quốc, nhưng sau đó lại nói với các ủng hộ viên và các ký giả nước ngoài rằng ông đã đổi ý và nay muốn xuất ngoại.

Ông Trần nhấn mạnh đến ý định ra nước ngoài “để tĩnh dưỡng,” trong một lời khai qua điện thoại với một cuộc điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ ở Washington hồi hôm qua.

Họa sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị, người đã bị giam giữ nhiều tháng trong năm ngoái, nói ông tin rằng tình hình của ông Trần sẽ rất nguy hiểm nếu ông ở lại trong nước.

Theo ông Ngải Vị Vị, tất cả các bên liên quan, cả chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc, đều ở trong một tình thế lúng túng, mà ông cho là sẽ gây ra một tình hình bất an cho ông Trần và gia đình ông.

Ông Ngải nói ông tin rằng ông Trần có thể đã muốn ở lại Trung Quốc, nhưng đã hoảng sợ sau khi nói chuyện với gia đình và bạn bè.

Ông Ngải nêu ra những nhận định mới nhất của ông Trần nói rằng ông muốn rời khỏi nơi này, không phải rời khỏi Trung Quốc, nhưng ông chỉ muốn ra nước ngoài để chữa bệnh một thời gian.

Họa sĩ Ngải nói ông tin rằng ông Trần không xin tỵ nạn chính trị, mà chỉ muốn xuất ngoại một thời gian, mà ông nói thêm rằng là điều hợp lý và hợp pháp đối với bất cứ công dân tự do nào của Trung Quốc.

Ông Ngải âu yếm gọi ông Trần là “một con chuột,” và nêu ra điểm con người bình thường này đã đau khổ quá nhiều và mang một gánh nặng vì lý tưởng nhân quyền ở Trung Quốc.

Ông Trần, 40 tuổi, là một nhà hoạt động tự học về ngành luật. Ông đã giúp phanh phui những vụ cưỡng bức phá thai và triệt sản của giới hữu trách về kế hoạch hóa gia đình và đã thụ án 4 năm tù.

Kể từ khi được tha vào tháng 9 năm 2010, công an giả dạng côn đồ đã nhốt ông và gia đình ông trong nhà ông ở vùng nông thôn Sơn Đông, và đánh đập ông cùng những người thân.

http://www.youtube.com/embed/bvP4N4neTTM