Chủ tịch ASEAN 2020: Cơ hội cho VN chống tham vọng bá quyền TQ   

Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020 - Ảnh VOV (Web screenshot)

Trong cương vị Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ trong năm 2020, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút sự chú ý của khu vực, theo Viện Nghiên cứu Lowy, trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập có trụ sở đặt tại Sydney, Úc Châu.

Báo Điện tử chính phủ Việt Nam dẫn lời Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.

Thứ trưởng Dũng nêu bật năm ưu tiên chính sẽ được Việt Nam thúc đẩy: “Tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.”

Cơ hội

Theo Viện nghiên cứu Lowy, năm 2020 sẽ là một năm bận rộn đối với Việt Nam, với nhiều lợi thế có thể nhân rộng ảnh hưởng của chính sách đối ngoại Việt Nam nếu Hà nội biết tận dụng hai vai trò đó để hối thúc cộng đồng quốc tế giải quyết một số vấn đề khu vực nan giải, trong đó có Biển Đông và tham vọng ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc.

Trong khi các trách nhiệm ngoại giao vừa kể đi đôi với áp lực to lớn, Viện Lowy cho rằng đây cũng là một cơ hội tốt cho Hà nội kêu gọi sự dấn thân của cộng đồng quốc tế theo hướng có lợi cho các lợi ích an ninh hàng hải của Việt Nam.

Theo Viện Lowy, các cuộc đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển sẽ ngự trị năm 2020, trước khi bộ Quy tắc được phê chuẩn vào năm 2022 như dự kiến. Với ghế Chủ tịch, Hà nội sẽ đại diện cho ASEAN với các bên khác, chủ yếu là Bắc Kinh, và có phần chắc sẽ có thái độ quyết liệt hơn so với các chủ tịch tiền nhiệm vốn không phải là một trong các nước tranh chấp ở Biển Đông, hoặc là không muốn làm phật lòng Bắc Kinh.

2020 cũng là tròn năm đầu tiên ASEAN áp dụng “Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” theo đó, Biển Đông không nên được hiểu như chỉ là các tranh chấp chủ quyền, biển đảo và tài nguyên giữa các nước ven Biển Đông, mà Biển Đông cần được nhìn nhận như một “vùng biển kết nối giữa các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, là nơi các quốc gia mong muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại, phát triển hợp tác”.

Thách thức

Viện Lowy cảnh giác những lợi thế như vừa kể không giảm bớt những khó khăn mà Hà nội phải đối phó trong cương vị Chủ tịch ASEAN.

Như đã xảy ra vào năm 2012 và năm 2016, có nguy cơ Campuchia sẽ lại cản trở ASEAN ra tuyên bố chung để bảo vệ đồng minh của họ ở Bắc Kinh. Dù đã đạt được một số tiến bộ với Pnom Penh, Hà nội khó có thể thay đổi cán cân này, theo Viện Lowy.

Một khó khăn khác mà nhiều nhà phân tích nêu bật là các cuộc thương thuyết về bộ Quy tắc Ứng xử trên biển rất phức tạp vì những bất đồng về cách giải quyết xung đột, và về quy chế pháp lý của bộ Quy tắc.

Theo Viện Lowy, Bắc Kinh sẽ không bao giờ đồng ý với một tài liệu pháp lý có thể giới hạn nỗ lực nhằm củng cố quyền kiểm soát của họ trong khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nói rằng Trung Quốc cố tình thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò” khi ngang nhiên tuyên bố đây là “khu vực có các nguồn tài nguyên của Trung Quốc bị các nước khác cướp”.

Giáo sư Thayer nói Trung Quốc muốn trở thành cường quốc mới nổi tại khu vực châu Á, và Biển Đông là tâm điểm trong tham vọng đó.

Thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông mang ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc không chỉ về địa chính trị, mà còn giúp Bắc Kinh chiếm và khai thác nguồn dầu khí dồi dào tại đây”, theo Giáo sư Thayer.

Đối với Việt Nam, một cách thực tiễn khả dĩ có thể chặn hoặc cản trở ý đồ của Bắc Kinh là yêu cầu sự can thiệp của Tòa án Trọng tài Quốc tế. Nhưng bất chấp khuyến nghị của nhiều chuyên gia và học giả, bày tỏ tin tưởng Việt Nam có cơ may thắng nếu kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, trong nhiều năm qua Hà nội vẫn giữ im lặng về giải pháp này, mãi cho tới tháng trước.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 vào ngày 6/11/2019, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, tuyên bố rằng Việt Nam đang cân nhắc các biện pháp giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc, trong đó có cơ chế trọng tài và khởi kiện, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung liệt kê các giải pháp chọn lựa của Việt Nam:

“Các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện tụng. Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này.”

Vai trò lớn hơn của Việt Nam trên trường quốc tế đương nhiên không thể giải quyết những khó khăn mà Việt Nam phải đối phó. Nhưng viện Lowy nói vai trò đó có thể được dùng để làm đòn bẩy ngoại giao mà Hà Nội khai thác để bảo vệ tốt hơn các lợi ích quốc gia.

Viện Lowy nhận định Hà Nội hình như đang xác định vị thế chống các chính sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam nhấn mạnh hơn tới sự hội nhập quốc tế và quyền qua lại vô tội, rõ ràng bác bỏ cách diễn giải của Bắc Kinh cho rằng đây là một vấn đề song phương phải được giải quyết giữa hai nước, và như vậy là Việt Nam đã gián tiếp bác bỏ cố gắng của Bắc Kinh gạt Hoa Kỳ ra khỏi khu vực.

Viện Lowy nói dựa vào đó, có thể trông chờ Hà Nội sẽ tiếp tục có những hành động và tuyên bố tương tự trong năm 2020.