Học sinh ‘biết chủ động phòng dịch’ khi trở lại học đường

Học sinh cả nước đã đi học trở lại kể từ ngày 11/5

Phụ huynh đã an tâm cho con em đi học trở lại, học sinh cũng ý thức về tình hình dịch bệnh nên chủ động đề phòng trong khi nhà trường thực hiện các biện pháp phòng dịch ‘gắt gao’, một cô giáo từ trong nước nói với VOA.

Sau kỳ nghỉ Tết dài nhất từ trước đến nay với gần 100 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, gần như toàn bộ các trường phổ thông và đại học trong cả nước đã mở cửa đón học sinh, sinh viên trở lại kể từ thứ Hai ngày 11/5.

Trước đó một tuần, học sinh các lớp cuối cấp đã trở lại trường để chuẩn bị cho việc chuyển cấp vào cuối năm học trong khi nhiều trường mẫu giáo và mầm non vẫn chưa mở cửa, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học này, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Sở Giáo dục các tỉnh, thành đã đưa ra hướng dẫn phòng dịch và quy trình tổ chức lớp học, ăn nghỉ cho học sinh trong mùa dịch để các trường áp dụng.

Tuy nhiên, sau đó Bộ đã phải bãi bỏ một số quy định như không còn bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học, không cấm mở máy lạnh trong phòng học nhưng yêu cầu phải mở cửa lớp học thường xuyên và nhất là đã bãi bỏ quy định giãn cách học sinh trong lớp học – tức chia sỉ số lớp học ra làm đôi.

‘Làm theo hướng dẫn’

Trao đổi với VOA sau hai ngày đón học sinh đi học trở lại, cô Nguyễn Thị D., cô giáo dạy lớp 2 ở một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trước khi mở cửa lại, nhà trường đã ‘có sự chuẩn bị kỹ’ tuân theo sự hướng dẫn của Sở Giáo dục thành phố.

Theo lời cô thì trường đã cho lắp đặt thêm nhiều bồn rửa tay ở các cổng và khắp nơi trong khuôn viên trường, tập huấn cho các giáo viên, thực hiện các clip hướng dẫn về cách phòng dịch chia sẻ cho phụ huynh xem trước để chuẩn bị cho con em.

Phụ huynh đưa con đi học chỉ được thả các em trước cổng trường và không được phép bước vào khuôn viên trường, cô D. nói với điều kiện giấu tên vì cô không phải là người phát ngôn của nhà trường.

“Các bé khi bước vào trường sẽ được đo thân nhiệt, rửa tay ngay tại cổng rồi mới lên lớp,” cô D. nói và cho biết thêm các em được dặn dò phải rửa tay trước giờ học, sau giờ chơi, sau khi ăn trưa và sau khi đi vệ sinh.

Ngoài ra, theo đúng hướng dẫn của Bộ, trường của cô không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong giờ học nhưng bắt phải đeo trong giờ ra chơi, cũng theo lời cô giáo này, và mỗi học sinh được phát 9 khẩu trang.

“Đang giờ học mà muốn đi vệ sinh thì bước ra khỏi lớp cũng phải đeo khẩu trang.”

Đến giờ ăn thì ngoài việc mỗi em có một khay ăn riêng như từ trước đến giờ, các em còn được sắp xếp ăn lệch giờ và ngồi cách xa nhau chứ không còn ăn tập trung một lần như trước, cô cho biết.

“Trường bố trí ăn theo ca, ca này các khối lớp 1, 2, 3 ăn xong, lau dọn rồi mới tới khối lớp 4, 5 ăn,” cô nói. “Lúc trước một dãy bàn ăn ngồi 7 bé, giờ chỉ ngồi 3 bé thôi.”

Cô nói trường của cô không mở lại bán trú vì theo quy định của Bộ ‘phải đáp ứng bao nhiêu tiêu chí thì mới được mở lại bán trú’. Tuy nhiên, có trường vẫn duy trì bán trú sau khi mở cửa lại. Có trường cho học giãn cách ra giữa buổi sáng và buổi chiều, cô cho biết.

Nhà trường cũng chuẩn bị riêng một phòng cách ly với các giường đảm bảo đúng khoảng cách quy định, cô cho biết. Trước khi mở cửa lại thì trường cũng chuẩn bị phương án chia các lớp ra làm đôi để đảm bảo giãn cách nhưng sau đó Bộ đã sớm bãi bỏ quy định này nên trường không cần phải áp dụng nữa.

Ngoài ra, các cô giáo trong trường còn ‘viết thêm những lời dặn dò vào giấy dính rồi dán trên vở cho các bé đem về, chẳng hạn như đem theo khăn giấy để lỡ ắt xì thì có cái để chùi’.

‘Các em nắm rất rõ’

Cô D. cho biết công tác phòng dịch của trường gặp nhiều thuận lợi nhờ sự đồng lòng và chung tay của các phụ huynh. Nhờ đó mà các em học sinh có ‘ý thức rất tốt về cách phòng dịch’.

Theo lời cô thì trong ngày đầu tiên là ngày mà các giáo viên phải dành để hướng dẫn các em về cách phòng dịch như ‘6 bước rửa tay phải làm sao, đeo khẩu trang vào những lúc nào’ thì ‘các em tiếp thu hết’.

“Mình nói tới đâu thì các bé đều giơ tay nói tiếp theo mình có vẻ rất hiểu biết, giống như ‘con biết dịch bệnh này xuất phát từ đâu’ hay ‘bây giờ bên Mỹ đang bị nghiêm trọng’,” cô nói.

Cô đưa ra dẫn chứng là sau ngày đầu có tới nửa lớp của cô quên rửa tay sau giờ ra chơi thì đến ngày học thứ hai các em ‘đã tự nhớ’ và không còn cần cô giáo xịt nước rửa tay khô trước khi vào lớp học nữa. Hiện giờ các em đã ‘tự giác đeo khẩu trang’ cứ mỗi lần bước ra khỏi lớp nên ‘cô giáo không cần nhắc’.

“Tình hình dịch bệnh đang nghiêm trọng nên các phụ huynh cũng hiểu được tầm quan trọng của việc phòng dịch. Đi học ngày đầu thấy các em cũng căng thẳng, lo lắng như không dám xáp lại gần bạn, ngồi cũng giữ khoảng cách,” cô giải thích.

Tuy nhiên, do các em còn rất nhỏ nên các giáo viên ‘vẫn phải mỗi ngày nhắc lại vài câu’, theo lời cô. “Nếu con nít mà mình bung ra một chút là các bé quên,” cô nói.

“Các em cũng đã được dặn không uống chung chai nước hay không xin thức ăn của bạn, không chia sẻ đồ ăn,” cô cho biết. “Giờ ra chơi tôi cũng đi vòng vòng trong sân để coi các em ra sao thì thấy các em đã biết giữ khoảng cách một mét khi nói chuyện và cũng không dám giỡn hớt, ôm nhau, vật nhau như trước.”

Cô chỉ ra là toàn bộ 46 học sinh trong lớp cô đều đi học lại từ ngày đầu tiên để cho thấy ‘phụ huynh cho con đi học đầy đủ tức là họ có niềm tin nơi nhà trường’. Cô giải thích sở dĩ như vậy là do nhà trường đã phổ biến quy trình phòng dịch đến cho phụ huynh trước đó và phụ huynh ‘cũng không có yêu cầu gì thêm’.

‘Sẽ giảm tải chương trình học’

Do thời gian nghỉ dài nên cô D. cho biết ‘một số em đã quên kiến thức’ nhưng phần đông vẫn còn nắm kiến thức cơ bản do trong thời gian nghỉ các giáo viên nhà trường vẫn tổ chức các lớp học trực tuyến, gửi bài tập cho các em làm ở nhà và chấm điểm như thường.

Cô nói hiện giờ cô chưa có hướng dẫn của Bộ về cách dạy nội dung chương trình còn lại nhưng cô cho rằng ‘sẽ có giảm tải để cắt bớt những giờ luyện tập hay những nội dung trùng lặp’.

Khi được hỏi về áp lực khi phải đi dạy cho các em nhỏ trong mùa dịch, cô D. nói: “Giáo viên nào cũng thấy lo lắng chương trình như vậy sẽ được dạy rút gọn trong hai tháng như thế nào.”

“Còn dịch bệnh thì ở Việt Nam làm rất tốt việc phòng dịch. Xung quanh tôi không thấy ai bị bệnh, mọi người đều khỏe khoắn nên mình thấy yên tâm khi đến trường,” cô nói thêm.