Quan chức Indonesia nói nước này sẽ phản ứng thích đáng với các sự cố ở Biển Đông

Hình ảnh do Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (BAKAMLA) công bố cho thấy một thành viên của Cơ quan An ninh Hàng hải theo dõi chuyển động của một tàu tuần duyên Trung Quốc trên vùng biển Bắc Natuna thuộc khu vực tranh chấp Biển Đông, Indonesia, ngày 24/10/2024.

Quan điểm của Indonesia về Biển Đông vẫn không thay đổi và họ sẽ phản ứng thích đáng để bảo vệ lãnh thổ của mình, một quan chức cho biết hôm 31/10, sau khi một tàu tuần duyên Trung Quốc làm gián đoạn cuộc khảo sát của công ty năng lượng nhà nước Jakarta.

Tuần trước, Indonesia cho biết họ đã xua đuổi tàu tuần duyên Trung Quốc ba lần chỉ trong vài ngày sau khi sự hiện diện của tàu này ở vùng biển cách Trung Quốc đại lục hơn 1.500 km làm gián đoạn cuộc khảo sát của một tàu do Pertamina thuê.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông, điều mà họ khẳng định thông qua một đội tàu tuần duyên, một số trong số đó bị các nước láng giềng cáo buộc có hành vi hung hăng và cố gắng phá hoại các hoạt động năng lượng và nghề cá.

"Về vấn đề Biển Đông, chính phủ Indonesia không có gì thay đổi. Chúng tôi sẽ làm những gì phù hợp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Roy Soemirat phát biểu tại một cuộc họp báo khi được hỏi liệu việc đẩy lùi tàu Trung Quốc có phải là dấu hiệu cho thấy Tổng thống mới Prabowo Subianto sẽ quyết đoán hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia hay không.

"Chúng tôi đang tìm kiếm sự xác nhận và trao đổi thông tin. Động thái trên thực địa sẽ liên quan đến rất nhiều bên", ông nói.

Trong khi các tàu tuần duyên Trung Quốc đã nhiều lần bị phát hiện nán lại trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, thì vụ việc gần đây nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi ông Prabowo nhậm chức.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lực lượng tuần duyên của họ thực hiện hoạt động tuần tra thường lệ "trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" và họ sẵn sàng hợp tác với Indonesia để xử lý đúng đắn các vụ việc.

Trung Quốc thường nói rằng lực lượng tuần duyên của họ hoạt động hợp pháp và chuyên nghiệp để ngăn chặn các hành vi xâm phạm vùng biển của mình.

Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016 phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một phán quyết mà Bắc Kinh không công nhận.

Trong khi Bắc Kinh thường xuyên xung đột với Philippines ở Biển Đông và có xích mích với Việt Nam và Malaysia, thì căng thẳng với Indonesia lại rất hiếm.

Năm 2021, các tàu của Indonesia và Trung Quốc đã đeo bám nhau trong nhiều tháng gần một giàn khoan dầu ngầm đang thực hiện đánh giá giếng dầu ở Biển Natuna. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã thúc giục Indonesia ngừng khoan ở nơi vốn là lãnh thổ của mình.