Sức mạnh của Âm nhạc: ‘Tiếng nói của những người không có tiếng nói’

“Nữ Hoàng Hip hop của Việt Nam” Suboi.

Nhiều người đã đề cập tới sức mạnh của nghệ thuật và âm nhạc như những tác nhân có thể đưa đến thay đổi xã hội. Mấy năm gần đây, nhạc hip hop đã trở thành dòng nhạc đươc giới trẻ khắp thế giới ưa chuộng, và nhiều nghệ sĩ nhạc rap đã dùng loại nhạc này như một công cụ để chuyển tải tâm tư của họ về hiện trạng xã hội tại đất nước họ. Trong chuyến đi lịch sử của Tổng Thống Obama tới thăm Việt Nam mới đây, ông đã nhắc đến sức mạnh của âm nhạc, và vì sao một số chính quyền lo ngại, tới mức có thể ra tay trấn áp giới nghệ sĩ bất đồng chính kiến. Một trường hợp điển hình là câu chuyện của một nghệ sĩ hip hop ở Nam Sudan, người đã dùng âm nhạc để đoàn kết và đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội. Mục Đời Sống Văn Hoá của VOA do Hoài Hương phụ trách, tuần này xin được dành để mang đến quý vị một vài chi tiết đáng nhớ trong cuộc trao đổi giữa Tổng Thống Mỹ và rapper Suboi của Việt Nam về sức mạnh của âm nhạc, và cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội của nghệ sĩ Mỹ gốc Nam Phi Lual D’awol. Bài này được dựa một phần trên bài tường trình do Thông tín viên Jason Patinkin của VOA gửi về từ Juba.

Your browser doesn’t support HTML5

Sức mạnh của Âm nhạc: ‘Tiếng nói của những người không có tiếng nói’

Những chuyến công du ra nước ngoài của Tổng Thống Obama thường được đánh dấu bởi những cuộc gặp gỡ và trò chuyện thân mật với giới trẻ nước chủ nhà. Chuyến đi lịch sử của nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Việt Nam vừa rồi không nằm ngoài thông lệ đó. Những buổi gặp gỡ trò chuyện với giới trẻ Việt Nam của nhà lãnh đạo Mỹ được dân Việt Nam và truyền thông quốc tế chú ý, đăc biệt lý thú là cuộc trao đổi ngắn giữa Tổng Thống Mỹ và “Nữ Hoàng Hip hop của Việt Nam” Suboi, sau khi cô đặt câu hỏi về vai trò và tầm quan trọng của văn hoá và nghệ thuật đối với các nước. Đáp lại câu hỏi của Suboi, Tổng Thống Obama đề cập tới sức mạnh của nghệ thuật và âm nhạc, kể cả nhạc hip hop trong các xã hội tự do. Ông nói âm nhạc có khả năng nối kết người dân ở các nước cách xa nhau cả nửa vòng trái đất. Nhà lãnh đạo Mỹ nói chính khả năng nối kết đó đã làm chính quyền ở một số nước lo lắng, khiến họ đôi khi mạnh tay trấn áp giới nghệ sĩ bất đồng. Ông nói thành thật mà nói, nghệ thuật có thể nguy hiểm, vì nghệ thuật đôi khi làm một số chính quyền cảm thấy bất an, lo sợ, khiến họ ra tay đàn áp.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói tiếp: “Một trong những điều mà tôi thực sự tin tưởng là, nếu đàn áp nghệ thuật, kể như chúng ta trấn áp những ước mơ và khát vọng sâu thẳm nhất của một dân tộc.”

Câu hỏi của Suboi cũng như câu trả lời của nhà lãnh đạo Mỹ đã gây ấn tượng tại một đất nước nơi nhạc hip hop còn tương đối mới lạ, hơn nữa khi nghệ sĩ rap lại là một phụ nữ. Đi vào con đường hip hop là một chọn lựa can đảm tại một đất nước vẫn đàn áp và sách nhiễu các thành phần bất đồng, kể cả các nhà báo, bloggers và các nghệ sĩ trực ngôn muốn thể hiện quan điểm chính trị hay xã hội riêng, khác với chính sách nhà nước, như trường hợp ca sĩ Việt Khang bị giam cầm vì hai bài hát nổi tiếng của anh, phản đối chính sách bá quyền của Trung Quốc, và chỉ trích công an mạnh tay đàn áp người biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc trong Biển Đông.

Tại Nam Sudan, ca sĩ nhạc rap Lual D’awol cũng là nạn nhân của chính sách đàn áp của chính phủ nước này khi anh dùng âm nhạc để nói lên lập trường chống đối đối với một chính quyền khét tiếng về mức độ đàn áp những tiếng nói bất đồng.

Ca sĩ nhạc rap Nam Sudan Lual D'awol chụp ảnh cùng các nghệ sĩ hip-hop trong phòng thu ở Juba, ngày 4 tháng 6 năm 2016.

Đối với ca sĩ nhạc rap Lual D’awol, âm nhạc có thể là một hành động thách thức chính trị.

Một ngày sau khi các binh sĩ xông vào chặn đứng một buổi trình diễn của anh, chàng ca sĩ nhạc rap vẫn xuất hiện trên sân khấu một hộp đêm ở Juba. Anh chia sẻ:

“Hip hop là một dòng nhạc cho phép ca sĩ chuyện trò với người nghe. Nghệ sĩ có thể truyền đi thông điệp mình muốn gửi đến mọi người, đề cập tới những sự thống khổ của dân, những người không có tiếng nói.Tôi cảm thấy ở Sudan, có vô số người thuộc thành phần đó: thành phần thấp cổ bé miệng, không có tiếng nói, không có công lý và là nạn nhân của những điều bất công.”

Lual là một trong những ca sĩ nhạc rap được nhiều người hâm mộ nhất ở Sudan. Lớn lên ở Hoa Kỳ, Lual đã trở về Nam Sudan vào năm 2009 với hy vọng có thể góp một bàn tay để phát triển đất nước. 2 năm sau khi anh trở về, Nam Sudan giành được độc lập, nhưng từ đó cho tới nay cư dân Nam Sudan chỉ chứng kiến những cảnh chiến tranh, nghèo đói và tham nhũng.

Những ca từ trong các bản nhạc của anh đã tìm cách đẩy lùi xa nhất những giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận tại một đất nước nơi những người bị coi là chỉ trích chính phủ bị tù đày, hành hung, hoặc thậm chí, sát hại.

Một trong những nhạc phẩm được ưa chuộng nhất của Lual đã bị chính phủ Nam Sudan cấm. Tên của nhạc phẩm là “Dowla Jadit”, có nghĩa là “Đất nước mới”. Trong nhạc phẩm này, Lual chỉ trích các giới chức địa phương luôn viện cớ: “Chúng ta là một đất nước mới” để biện minh cho tình trạng thiếu vắng các dịch vụ cơ bản. Lual nói anh đã bị đe doạ tính mạng sau khi bản nhạc đó được phát hành.

Anh nói: “Đó là cách người ta muốn doạ nạt, làm tôi sợ hãi, và áp lực tôi phải hát về những điều vô nghĩa, hoặc nói lên những điều không thực, những điều giả dối không thực sự xảy ra, tất cả những thứ đó, nhưng đó không phải là thực trạng ở Nam Sudan bây giờ. ”

Lual cho biết anh muốn dùng âm nhạc để kêu gọi người dân Nam Sudan hãy đoàn kết vói nhau. Nam Sudan đang nổi lên sau cuộc nội chiến kéo dài hai năm rưỡi, đã chia cắt Sudan thành 2 miền dựa trên nguồn gốc bộ tộc. Chàng ca sĩ nhạc rap ra sức làm việc để cho ra một album mới, một dự án hợp tác với các nhà sản xuất và các ca sĩ thuộc đủ mọi sắc tộc ở Sudan. Anh nói về tính đa dạng ấy:

“Ai cũng biết âm nhạc đưa mọi người đến với nhau. Đó là điều chúng ta cần trong lúc này. Chúng ta cần đoàn kết, xây dựng tinh thần dân tộc, tình yêu nước, bởi vì suy cho cùng, tất cả mọi chúng ta ở đây đều là người Nam Sudan.”

Trả lời câu hỏi nếu người ta muốn dập tắt tiếng nói của anh, để cản thông điệp đổi mới của anh, thì sao? Anh trả lời:

“Tôi phải thực lòng với chính tôi. Tôi không thể thay đổi vì bị áp lực tinh thần hay vì sợ hãi, bởi vì chúng ta chỉ sống có một lần. Tôi không thể sống như một kẻ hèn nhát.”

Bất chấp những hành động sách nhiễu, Lual vẫn hiên ngang tự hào mình một công dân Nam Sudan nhất quyết không phản bội chính mình để tiếp tục xây dựng đất nước, bất chấp nguy hiểm.