Tang lễ được tổ chức cho một số nạn nhân vụ xả súng ở Orlando

Những người đưa tang khóc khi rời khỏi lễ tang của Anthony Luis Laureano Disla, một trong những nạn nhân vụ thảm sát ở Orlando, Florida, ngày 17 tháng 6 năm 2016.

Gia đình và bạn bè của một số trong 49 người thiệt mạng vì vụ thảm sát tại một hộp đêm của người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida, dự tang lễ của người thân yêu của họ hôm thứ Sáu, một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden gặp gỡ gia đình các nạn nhân, những người sống sót, các nhân viên chấp pháp và lực lượng ứng phó đầu tiên.

Anthony Luis Laureano Disla là một trong số những người thiệt mạng hôm Chủ nhật khi Omar Mateen 29 tuổi, công dân Mỹ, nổ súng tại hộp đêm Pulse trong vụ xả súng khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử của Mỹ. Một nhà tang lễ địa phương cho biết Disla, 25 tuổi, đã được chôn cất tại Orlando.

Disla, quê quán ở Puerto Rico, chuyển tới sống ở Orlando để theo đuổi ước mơ làm vũ công và người biên đạo múa.

Trong khi thành phố Orlando tiếc thương những người thiệt mạng, Chiến dịch Nhân quyền (HRC), tổ chức vận động cho giới LGBTQ lớn nhất nước, hôm thứ Sáu đã dùng trụ sở chính của họ là một tòa nhà tám tầng ở thủ đô Washington làm đài tưởng niệm những nạn nhân.

HRC cho biết hình ảnh tất cả 49 nạn nhân của vụ tấn công được lắp trên cửa sổ của tòa nhà, tạo thành một bức hình ghép mang thông điệp "We Are Orlando" (Chúng tôi là Orlando). HRC cũng cho biết đã tổ chức một buổi tưởng niệm trực tuyến dành cho những nạn nhân và những người sống sót.

Ngoài ra, tổ chức này cho biết trong một cuộc họp đặc biệt hôm thứ Năm rằng họ đã thông qua một nghị quyết về điều được gọi là "đại dịch của sự thù hận góp phần dẫn tới tình trạng giết người, hành hung và kì thị có động cơ bài xích giới LGBTQ cũng như những chính sách ngăn chặn bạo lực súng ống hợp lý mà sẽ giúp giữ cho cộng đồng người LGBTQ được an toàn."

Thông báo của HRC được đưa ra giữa lúc những nhà lập pháp tại Thượng viện chuẩn bị hội họp vào thứ Hai để cứu xét bốn đề xuất kiểm soát súng. Kiểm soát súng là vấn đề gây chia rẽ về mặt chính trị tại Mỹ. Giới vận động cho quyền sở hữu súng nhiều quyền thế, dẫn đầu chủ yếu bởi Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA), đã đánh bật nhiều nỗ lực kiểm soát súng ở Mỹ, ngay cả sau những vụ tấn công chết người như vụ thảm sát ở Orlando thu hút sự chú ý của cả nước.

Ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông ta sẽ gặp NRA để thảo luận về việc kiểm soát súng sau vụ xả súng ở Orlando. NRA cho biết họ rất vui được gặp ông Trump.

Mateen đã gọi vào đường dây khẩn cấp 911 của Orlando ba lần trong khi thực hiện vụ tấn công, tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi, và nhắc tới vụ đánh bom cuộc đua Ma-ra-tông ở thành phố Boston năm 2013 khiến ba người thiệt mạng.

Tại Orlando hôm thứ Năm, Tổng thống Obama nói: "Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy thêm những vụ tàn sát như thế này bởi vì chúng ta chọn việc cho phép chúng diễn ra." Vụ khống chế trong hộp đêm ở Orlando kết thúc khi cảnh sát phá tường xông vào hạ sát hung thủ, là con trai của những di dân người Afghanistan, trong một cuộc đọ súng.

Trong một sự kiện riêng khác, ngày thứ Sáu đánh dấu kỷ niệm một năm vụ tấn công chết người ở thành phố Charleston, bang South Carolina, nơi tay súng Dylann Roof bắn chết chín người tổ chức buổi học Kinh thánh tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal của người da đen. Hung thủ sẽ bị đưa ra xét xử vào tháng 11 và có thể đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội.