Tập Cận Bình bắt đầu nhượng bộ

Hình ông Tập Cận Bình tại buổi diễn hành kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, tháng 10, 2019.

Mỗi năm Cộng sản Trung Quốc thường kỷ niệm ngày 1 tháng 10 bằng những cuộc diễn binh rầm rộ. Năm nay họ chỉ biểu diễn một lễ chào cờ trước Thiên An Môn. Trong bữa đại yến trước ngày “quốc khánh” Chủ tịch Tập Cận Bình còn báo động: “Con đường trước mặt sẽ không dễ dàng, sẽ rất nhiều khó khăn, chướng ngại, và chúng ta sẽ phải đối phó với những thử thách lớn như (con thuyền) trước sơn gió mạnh, sóng lớn, kể cả giông bão.” Ông kêu gọi toàn dân phải “cảnh giác…, định kế hoạch đối phó, hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, vào quân đội, và nhân dân …”

Theo tin AP, hệ thống tuyên truyền của Trung Cộng vẫn tiếp tục thông báo các tin tức kinh tế phấn khởi mà không nhắc đến những khó khăn như dân chúng bớt tiêu tiền gây mối lo giảm phát, kinh tế trì trệ ảnh hưởng xấu ngay tới ngành xuất cảng; trong tình trạng cạnh tranh ngày càng gắt gao với các nước khác cũng đua nhau xuất cảng.

Trước tình cảnh đó, Tập Cận Bình đã bắt đầu tỏ ra nhượng bộ, ít nhất, trên mặt lý thuyết. Ông công nhận có một thứ gọi là “dân tiêu thụ” trong đời sống kinh tế! Xưa nay, giới lãnh đạo Cộng sản quyết tín vào chủ nghĩa Mác, một lý thuyết kinh tế chú trọng đến hệ thống sản xuất. Năm ngoái, trước cảnh kinh tế chậm tăng trưởng, Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) công bố sẽ chi ra hơn một tỷ mỹ kim để nâng cấp các nhà máy quốc doanh; nhưng không nói gì đến dân tiêu thụ. Ngay trong thời gian bệnh Covid, trong khi chính phủ Mỹ tặng cho mỗi người dân đóng thuế mấy ngàn mỹ kim, các nước Âu châu giúp các xí nghiệp trả lương cho nhân viên phải nghỉ việc để họ tiếp tục tiêu thụ, thì Trung Cộng không có một biện pháp nào nhắm giúp cho có thêm tiền xài.

Theo Linette Lopez, trong bản tin Markets Insider ngày 20 tháng 1 năm 2024, số tiền tiêu thụ của dân Trung Quốc chỉ chiếm 40 phần trăm Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP), thấp 20% so với tỷ lệ trung bình 60% GDP trên thế giới; nhưng tỷ lệ tiền đầu tư lại cao hơn 20% hơn các nước khác. Riêng ở Mỹ, dân tiêu thụ đóng góp gần ba phần tư GDP, chỗ còn lại là phần chi tiêu của chính phủ và đổ ra để đầu tư. Chủ trương đổ nhiều tiền cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư thực ra chỉ có tác dụng nuôi dưỡng các cán bộ và đảng viên cộng sản nắm đầu các xí nghiệp quốc doanh. Những người dân này chiếm địa vị ưu tiên hơn dân tiêu thụ! Theo một cuộc phỏng vấn trong tháng Tám của Linette Lopez, nhà phân tích kinh tế Logan Wright, thuộc nhóm Rhodium Group, nhận định rằng chính phủ Trung Cộng không đạt được món tiền thâu đáng kể nào ngoài cách đánh thuế trên các xí nghiệp mà họ trợ cấp để đầu tư!

Kinh tế Trung Cộng đầu tư với tỷ lệ cao hơn nhưng sau khi đổi mới (tư bản hóa) gần 30 năm vẫn không hy vọng đuổi kịp kinh tế Mỹ vì “lợi suất đầu tư” thấp quá. Một công ty tư nhân ở Mỹ bỏ ra một đô la lập nhà máy mới hy vọng lợi suất sẽ lên 10%, 20%, hoặc cao hơn. Các doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh thường không đạt được mức lời đó.

Trung Ương Đảng Trung Cộng trong phiên họp gần đây kéo dài cả tuần lễ đã được nghe đủ các thông tin kinh tế xấu trong tháng Tám. Theo bản tin Reuters, Ngân hàng BNP Paribas ở Pháp nhận xét: “Hầu như Bộ Chính Trị đã cảm thấy kinh tế đang lâm tình trạng khẩn cấp trong phiên họp vừa qua.” Reuters cho biết số lợi nhuận của ngành sản xuất công nghiệp đã đi xuống. Số tiền bán lẻ còn đi lên nhưng, theo các con số của Sở Thống kê Quốc gia (NBS, National Bureau of Statistics), tỷ lệ gia tăng thấp hơn tháng Bảy. Dân chúng mất tin tưởng vào tương lai nên bớt tiêu xài để tiết kiệm. Thị trường Lao động cũng bi quan, tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị lên tới 5.3%, cao nhất trong sáu tháng vừa qua, vẫn theo Reuters. Đài CNBC dẫn con số của NBS cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên lớp tuổi 16 đến 24 đã lên tới 18.8% trong tháng Tám, so với tỷ lệ 17.1% trong tháng Bảy. CNBC dẫn lời giải thích của Đan Vương, kinh tế trưởng Ngân hàng Hằng Thịnh (Hang Seng Bank), nói trong ba năm qua sinh viên tốt nghiệp khó kiếm việc vì các dịch vụ tin học, các ngành xây dựng đang đi xuống.

Bộ Chính Trị Trung Cộng phải đồng ý với Tập Cận Bình là cần thay đổi, bắt đầu chú ý đến người dân tiêu thụ. Bắc Kinh đang chuẩn bị “vay tiền,” phát hành “công trái đặc biệt” trị giá 2 ngàn tỷ đồng nguyên ($284.43 tỷ đô la, mỗi đô la Mỹ trị giá bằng 7 đồng nguyên Trung Quốc). Một ngàn tỷ nguyên sẽ đem trợ giúp chính quyền các địa phương. Từ trước đến nay, các tỉnh và thành phố thường chỉ bán đất công thâu tiền cho ngân sách, rồi tới không còn đất để bán nữa, chỉ còn cách đi vay. Họ sẽ được tặng ngàn tỷ đồng nguyên để trả nợ! Một tỷ đồng nguyên khác sẽ dùng để giúp giới tiêu thụ. Chính phủ sẽ trợ cấp cho các gia đình có từ hai con trở lên, mỗi đứa trẻ được lãnh 800 nguyên, khoảng $114 đô la một tháng – trừ đứa con đầu. Đây là một hành động “cách mạng” trong ngân sách nhà nước, chiếm thêm được cảm tình. Tuy nhiên, trong ngàn tỷ đồng đó cũng bị bớt đi, một số bị bớt để giúp doanh nghiệp nhà nước tu sửa máy móc thiết bị. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Phan Công Thắng (Pan Gongsheng, 潘功胜) đã giúp một tay khi hạ thấp lãi suất và tăng lưu lượng tiền tệ thêm một ngàn tỷ đồng nguyên ($142.5 tỷ mỹ kim) và cắt 0.50% trong tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Mark Williams, nhà kinh tế phụ trách vùng Á châu thuộc Capital Economics tiên đoán các chương trình cứu cấp hai ngàn tỷ đồng nguyên đang bắt đầu có thể giúp nâng GDP Trung Quốc tăng thêm được 0.4%.

Ông Tập Cận Bình đã chịu nhượng bộ, bắt đầu trợ cấp dè dặt cho người tiêu thụ. Nhưng ai cũng thấy Đảng cho tay này thì giật lại bằng bàn tay khác! Dân đang bất mãn vì chính phủ quyết định nâng tuổi về hưu, bắt dân phải làm việc nhiều năm hơn. Đàn ông đang được nghỉ hưu vào năm 60 tuổi, sẽ phải chờ đến tuổi 63; phụ nữ lao động tay chân phải chờ tới 55 tuổi thay vì 50.

Mối lo nặng nhất của Tập Cận Bình là thị trường địa ốc suy sụp. Để cứu các công ty xây dựng, Tập Cận Bình mới ra lệnh các thành phố Thượng Hải, Thẩm Quyến thả lỏng các điều kiện cho phép người dân mua nhà; các thành phố nhỏ sẽ làm theo. Đây là kết quả một chủ trương đầy rủi ro. Hai chục năm qua, Bắc Kinh khuyến khích ngân hàng cho vay dễ dãi, để công nhân xây cất có việc làm, nâng cao con số ghi nhận trong GDP. Ngành địa ốc chiếm từ 25% đến 35% Tổng Sản Lượng Nội Địa, số cung lên gấp đôi dân số, theo Linette Lopez, trong khi dân số Trung Quốc bắt đầu giảm từ ba năm qua. Mấy năm nay, nhà cửa xây xong bắt đầu không bán được nữa. Giá nhà cửa xuống khiến rất nhiều người trong giới trung lưu thua lỗ vì họ thường dùng tiền tiết kiệm để mua nhà, hy vọng giá sẽ lên cao mãi. Trong tài sản của dân Trung Hoa hơn 70% là các ngôi nhà. Khi cảm thấy giá trị tài sản xuống thấp, người ta càng thấy phải giảm bớt tiêu thụ.

Một chính sách dại rủi ro khác của Tập Cận Bình là tạo áp lực giảm bớt tầm quan trọng của tư doanh, lo lấn áp quốc doanh. Đó là “gốc rễ của các khó khăn kinh tế hiện nay,” theo giáo sư Trần Chí Vũ (Chen Zhiwu, 陈志武), dạy tài chánh ở Đại học Hương Cảng (University of Hong Kong), nói với Katrina Northrop, báo The Washington Post. Tờ báo này nêu lên các thí dụ chèn ép giới tư bản trong nước, như vụ bắt bớ tỷ phú Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin, 许家印) chủ công ty địa ốc Hằng Đại (Evergrande. 恒大) bị phá sản. Vụ này kéo theo nhiều công ty lớn khác, tất cả không những thua lỗ mà còn bị điều tra như tội phạm. Một thí dụ nổi tiếng khác là năm 2020 Bắc Kinh đã ra lệnh cho Mã Vân (Jack Ma, 马云), chủ công ty Alibaba, không tiến hành kế hoạch bán cổ phần trên thị trường quốc tế để gây vốn. Hành động này mở đầu việc kiểm soát chặt chẽ các công ty tin học, một ngành đang lên tại Trung Quốc và khắp thế giới. Mã Vân phải “lánh nạn,” đi ra nước mấy năm liền. Từ tháng 10 năm 2023 ông sống tại Nhật Bản làm một giáo sư thỉnh giảng, tại Đại học Đông Kinh.

Một căn bản của nền kinh tế thị trường là tinh thần tôn trọng pháp luật; giới kinh doanh phải biết chắc chắn quyền tư hữu được bảo đảm. Linette Lopez nhận định rằng các nhà tỷ phú ở Trung Quốc cảm thấy tài sản của họ còn hay mất tùy theo chính sách của Đảng. Nhiều công ty ngoại quốc lo lắng, giảm đầu tư hoặc rút bớt về nước.

Trung Quốc đang phải đối đầu với ba mối lo kinh tế: Giới tiêu thụ mất tin tưởng nên bớt tiêu xài; mối nguy “giảm phát” (giá sinh hoạt đi xuống, như đã diễn ra tại Nhật Bản trong nhiều thập niên qua); và thị trường địa ốc suy sụp. Nhìn xa, còn mối nguy dân số giảm, số người trong tuổi làm việc đi xuống còn số người già cần lãnh hưu bổng thì tăng nhanh hơn. Nhưng đó là điều ông Tập Cận Bình không thể làm gì để thay đổi.