Tòa án Thái Lan ra lệnh dẫn độ Y Quynh Bdap bất chấp phản đối của các nhóm nhân quyền

Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. (Photo YouTube Dak Lak News)

Một tòa án Thái Lan hôm 30/9 ra lệnh dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người đã bị Việt Nam kết án vắng mặt 10 năm tù với cáo buộc “khủng bố”, về nước, nơi mà các tổ chức nhân quyền, gồm cả Liên Hợp Quốc, cũng như các nhà lập pháp Mỹ lo ngại ông sẽ gặp nguy hiểm.

Theo ghi nhận về phiên tòa của AP, tòa án hình sự Bangkok đã chấp thuận yêu cầu của Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh, người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo đã bị chính phủ Thái Lan bắt giam vào ngày 11/6 sau bản án tại Việt Nam.

Các quan chức Thái Lan hồi tháng 6 xác nhận rằng họ bắt giữ ông Y Quynh theo yêu cầu của Việt Nam.

Ông Y Quynh, người đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công Lý (MSFJ), bị tòa án Việt Nam kết án vắng mặt vào tháng 1 về tội khủng bố với bản án 10 năm tù với cáo buộc rằng nhà hoạt động 32 tuổi này đã tham gia vào việc tổ chức các cuộc bạo loạn chống chính phủ tại tỉnh Đắk Lắk ở Tây Nguyên vào tháng 6/2023.

Chính quyền Việt Nam vào tháng 3 năm nay xác định MSFJ và một nhóm chính trị khác hoạt động ở Mỹ ủng hộ người Thượng, MSGI, vào danh sách các “tổ chức khủng bố” sau khi cáo buộc họ dàn dựng các cuộc tấn công cũng như thúc đẩy việc ly khai khỏi nhà nước Việt Nam. Hai nhóm này bị Việt Nam cáo buộc gây ra vụ tấn công trụ sở một Ủy ban Nhân dân xã ở Đắk Lắk, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã.

MSFJ được ông Y Quynh thành lập để đào tạo người Thượng tại Việt Nam về luật pháp trong nước và quốc tế, về xã hội dân sự cũng như cách thu thập và báo cáo thông tin về đàn áp tôn giáo tới Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế. Nhà chức trách Việt Nam xác định rằng MSFJ được thành lập ở Thái Lan vào tháng 7/2019 và hoạt động tại Mỹ từ tháng 4/2023.

Luật sư bào chữa cho ông Y Quynh tại phiên tòa hôm 30/9 được AP trích lời cho biết bà sẽ làm đơn kháng cáo và đơn này phải được nộp trong vòng 30 ngày tới, cũng như cho biết thêm rằng bất kể kết quả thế nào, chính phủ Thái Lan cũng có thể quyết định bằng ngoại giao không thực thi lệnh dẫn độ.

“Thủ tướng có quyền, nếu họ muốn bảo vệ nhân quyền, họ có thể làm vậy,” LS Nadtharisi Bergman nói với các phóng viên bên ngoài tòa án, theo AP. “Nếu ông ấy trở về nước, tính mạng của ông ấy sẽ bị đe dọa, vì vậy chính phủ nên tôn trọng bằng chứng đó.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 7 đã kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh về Việt Nam. Cùng thời gian đó, 4 dân biểu Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, không dẫn độ nhà hoạt động Việt Nam về nước và nêu quan ngại rằng việc dẫn độ sẽ gây nên nguy cơ bất ổn cho những người tị nạn Việt Nam khác ở Thái Lan vì sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đàn áp nếu bị trả về nước.

Trước đây, các nhà hoạt động chỉ trích chính phủ, gồm blogger Đường Văn Thái và nhà báo Trương Duy Nhất, được cho là đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và đưa về nước kết án nhiều năm tù.

Chính phủ Thái Lan hồi tháng 8 đã nói rằng họ “không thể can thiệp” vào vụ của ông Y Quynh sau khi một số nhà lập pháp Mỹ lên tiếng đề nghị trả tự do cho nhà hoạt động Việt Nam.

Ông Y Quynh đã sống ở Thái Lan từ năm 2018 và được Cao ủy LHQ về người tị nạn (HNHCR) cấp quy chế tị nạn. Tại Bangkok, ông đã nộp đơn xin đi tị nạn ở Canada một ngày trước khi bị chính quyền Thái Lan bắt giữ.

Ông Y Quynh ở Thái Lan vào thời điểm xảy ra cuộc bạo loạn ở Đắk Lắk mà chính quyền Việt Nam xem là một vụ “khủng bố” nhưng vẫn bị Việt Nam truy nã đặc biệt vì việc này. Trong một lần trả lời phỏng vấn VOA trước đây, ông Y Quynh bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam và nói rằng ông bị “vu khống” và bị gán tội “khủng bố.”

Việt Nam đã kết án tù 100 người, trong đó có 10 án chung thân, trong vụ bạo động ở Đắk Lắk. Chính quyền Việt Nam cho rằng nhóm ủng hộ người Thượng Tây Nguyên ở Mỹ đã kích động người dân Việt Nam thực hiện các hành động “khủng bố” này.

Vài ngày sau phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng Việt Nam lợi dụng phiên tòa như một cơ hội để đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số.

Việt Nam từ lâu đã bị các nhóm nhân quyền và những nhà tranh đấu chỉ trích vì cách đối xử với nhóm thiểu số người Thượng trong nước, vốn gồm nhiều nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Thiên chúa sống ở vùng cao nguyên trung phần và nước láng giềng Campuchia.

Hai nhóm công tác và hơn 10 báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam và Thái Lan giải trình về những nỗ lực gây quan ngại” của Hà Nội trong việc cưỡng ép hồi hương người Thượng tị nạn ở Thái Lan và khả năng hợp tác của Bangkok trong những nỗ lực đó.

Nhà hoạt động Lê Văn Thương đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với VOA trong một lần phỏng vấn trước đây rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thái Lan để bắt người tị nạn hồi hương.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã chỉ trích Thái Lan vì đã cho dẫn độ những người bất đồng chính kiến từ Việt Nam, Campuchia, Lào và Trung Quốc về nước, trong những gì mà tổ chức có trụ sở ở Mỹ cho biết trong một báo cáo ra gần đây rằng đó là một hình thức đàn áp xuyên biên giới có đi có lại, trong đó các quốc gia này gửi những người bất đồng chính kiến bị Thái Lan truy nã về nước.