Việt Nam trở thành điểm đến du lịch chữa bệnh mới nhất của châu Á

Khách du lịch Trung Quốc thăm Hà Nội, hôm 1/12/2016. Ngày càng có nhiều khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe hoặc làm đẹp. (AP Photo/Tran Van Minh)

Các khách du lịch nước ngoài thường đến Việt Nam để xem những kiến trúc có từ thời thuộc địa, những động thạch nhũ hay những đảo đá vôi và những vách đá phiến thạch trên biển. Nhưng ngày này, nhiều du khách lại đang hướng đến các phòng khám hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của Việt Nam. Đó là một phần của ngành công nghiệp du lịch chăm sóc sức khỏe mới nhất của châu Á.

Các quan chức Việt Nam hy vọng tỉ lệ khách du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ tăng lên trong tổng số du khách đến Việt Nam đã tăng lên gấp 3 lần trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2018. Lãnh vực thu hút khách nhất là nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo các nhà phân tích trong nước, sự ổn định chính trị của Việt Nam, chi phí chăm sóc sức khỏe vừa phải và chất lượng tương đối cao của một số loại dược phẩm đang thực sự thúc đẩy xu hướng mới phát triển này. Việt Nam đang trở thành một điểm thu hút du lịch chăm sóc khỏe ở châu Á giống như Singapore, Thái Lan và Đài Loan, nhưng với mức phí cạnh tranh hơn.

"Tôi thấy du khách đang có xu hướng nhắm đến Việt Nam. Giá dịch vụ (y tế) ở đây rẻ hơn Thái Lan và chắc chắn là rẻ hơn Singapore", Mike Lynch, giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. "Nhóm lớn nhất là phẫu thuật thẩm mỹ. Có rất nhiều dịch vụ về chăm sóc thẩm mỹ đang phát triển tại đây."

Máy in tiền cho Việt Nam

Cho đến nay, hơn 80.000 người nước ngoài đã đến Việt Nam để "khám chữa bệnh và điều trị" y tế, theo trang tin Tuần báo Đầu tư Việt Nam. Các du khách này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào nguồn thu của Việt Nam. Vẫn theo báo Đầu tư, ngành y tế Việt Nam tăng trưởng từ 18% đến 20% mỗi năm.

Công ty Tư vấn Kinh doanh Dezan Shira & Associates ước tính mức doanh thu 2 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. "Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong ngành du lịch chăm sóc sức khỏe của Đông Nam Á", theo nhận định của công ty tư vấn này.

Trần Quốc Bảo, giám đốc kế hoạch và tiếp thị của Bệnh viện Quốc tế City ở TP Hồ Chí Minh, nói tại một hội nghị khu vực vào đầu năm nay rằng Việt Nam là một "trung tâm được ưa thích cho các dịch vụ chăm sóc y tế và sức khỏe", theo Tuần báo Đầu tư.

Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Singapore và Thái Lan là ngành thu được nhiều lợi nhuận. Tổng cục Du lịch Thái Lan ước tính năm ngoái du lịch y tế thu được 26 tỷ baht (860 triệu USD), tăng 14% so với năm 2017, theo truyền thông Thái Lan. Doanh thu du lịch y tế của Singapore tăng trưởng với tốc độ 10% hàng năm trong năm 2017, đạt mức 1 tỷ đô la Singapore (737 triệu USD), theo tạp chí trực tuyến Chăm sóc Sức khỏe châu Á.

Du lịch chăm sóc sức khỏe tạo ra ít nhất một phần ba doanh thu cho các bệnh viện tư nhân ở hầu hết các nước Đông Nam Á, và Châu Á Thái Bình Dương là thị trường du lịch y tế lớn nhất thế giới tính đến năm 2017, theo thống kê của Zion Market Research được trích dẫn trên trang tin tức du lịch TTG Asia.

Bùng nổ du lịch

Từ năm 2010 đến 2018, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng từ 5 triệu lên hơn 15 triệu người.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy hơn 2,8 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay và số lượng khách du lịch Hàn Quốc đã tăng 22%, lên hơn 2,4 triệu lượt, trong khoảng thời gian so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn khách du lịch hàng đầu tới Việt Nam.

Ở những điểm nghỉ mát ven biển nơi những khách du lịch này thường xuyên đến như Phú Quốc và Đà Nẵng – các khu nghỉ dưỡng đã "tìm cách kết hợp cơ sở vật chất để đáp ứng hiệu quả hơn cho du lịch y tế", theo Công ty Tư vấn Kinh doanh Dezan Shira & Associates.

Nha khoa đang thu hút “các đoàn” du khách Úc trong khi phẫu thuật thẩm mỹ thu hút người Hàn Quốc, theo ông Ralf Matthaes, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research ở TP HCM, cho biết. Một số bác sỹ nha khoa học ở nước ngoài và đã trở về làm việc ở Việt Nam, ông Matthaes nói. Ông cho biết, trong số các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có người Hàn Quốc thường trú ở Việt Nam.

Chi phí nha khoa ở Việt Nam chỉ bằng một phần mười so với ở Bắc Mỹ và chất lượng của các bác sĩ đang dần được nâng cao, theo lời ông Lynch. Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo rằng các công ty dịch vụ y tế khu vực cuối cùng sẽ thành lập văn phòng tại Việt Nam nếu họ chưa có mặt ở đây.

Rủi ro và cơ hội

Singapore, Đài Loan và Thái Lan vẫn có danh tiếng tốt hơn về chăm sóc sức khỏe nói chung. Ví dụ, ở Thái Lan, người nước ngoài đến bệnh viện để kiểm tra tổng quát, xét nghiệm khối u, đo đường trong máu hay bất kỳ vấn đề gì về tim mạch.

Ông Matthaes, người đã sống ở Việt Nam 25 năm qua, cảnh báo về chất lượng chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện của Việt Nam. Ông nói rằng trong một lần ông bị gãy chân, các bác sĩ đặt "phần cứng sai" vào, và rằng khi đi kiện về các sơ suất y khoa thì rất khó thắng.

"Tôi sẽ nói rằng không phải mọi thứ đều tốt, nhưng nếu nói đến nha khoa, và nếu nói đến phẫu thuật thẩm mỹ, thì đúng," ông nói.

Trả thêm tiền có thể giảm rủi ro và thêm sự thoải mái, và một hóa đơn thanh toán như vậy (ở Việt Nam) thường vẫn dưới mức những gì bệnh nhân sẽ phải trả ở một quốc gia phát triển hơn.

Nhà tư vấn năng lượng người Mỹ John Rockkeep, 67 tuổi, cho biết vợ ông ở lại bệnh viện (ở Việt Nam) trong bốn ngày để sinh con.

"Đối với tôi mọi thứ đã thực sự được cải thiện", ông Rockkeep, một cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam nói. "Chúng tôi đã sinh các con ở đây. Vợ tôi phải đẻ mổ và chúng tôi đã ở một trong những bệnh viện quốc tế. Tôi đã trả thêm tiền để có thể ở trong một phòng căn hộ. Mẹ chồng tôi có thể ở với cô ấy và cô ấy có thể đặt đồ ăn từ năm hoặc sáu nhà hàng khác nhau. Cô ấy đã ở đó trong bốn ngày và tôi trả một hóa đơn trị giá 1.200 USD.”