Đường dẫn truy cập

EU đối mặt với thời khắc quyết định về cuộc chiến ở Ukraine


Lá cờ của các quốc gia EU. 27 nhà lãnh đạo của khối này sắp thảo luận về việc loại bỏ nguồn năng lượng từ Nga, tăng cường khả năng phòng thủ và nền kinh tế để đối phó với cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Lá cờ của các quốc gia EU. 27 nhà lãnh đạo của khối này sắp thảo luận về việc loại bỏ nguồn năng lượng từ Nga, tăng cường khả năng phòng thủ và nền kinh tế để đối phó với cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.

Ngày 10/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về việc khối này loại bỏ nguồn năng lượng từ Nga để đối phó với cuộc chiến của Moscow ở Ukraine. Tuy nhiên, theo Reuters, vì sự chia rẽ nội bộ và lo sợ điều này sẽ kích động Tổng thống Vladimir Putin, khối này cũng sẽ không mời Kyiv gia nhập.

Tập trung tại Điện Versailles sang trọng của Pháp, 27 nhà lãnh đạo quốc gia của EU cũng sẽ xem xét việc tăng cường khả năng phòng thủ và nền kinh tế của họ.

Nhưng động thái của EU gây thất vọng đối với yêu cầu khẩn thiết của Ukraine mong muốn nhanh chóng trở thành thành viên của EU giữa lúc nước này đang chống lại cuộc xâm lược của Nga.

“Sẽ phải mất thời gian”, Bộ trưởng phụ trách Các vấn đề châu Âu của Pháp, Clement Beaune, nói với đài phát thanh France Inter, đồng thời nói thêm rằng việc Ukraine gia nhập EU “không phải là ngay ngày mai”.

Cuộc xâm lược quân sự từ ngày 24/2 của Nga đã phá vỡ trật tự an ninh của châu Âu vốn được thiết lập từ sau những đổ nát của Đệ nhị Thế chiến và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết vào năm 1991.

Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nói châu Âu đang phải đối mặt với thời khắc của ngày 11/9, tức cuộc tấn công của al Qaeda vào Hoa Kỳ năm 2001 dẫn đến việc chiếm đóng Afghanistan và cuộc chiến được gọi là “chống khủng bố quốc tế” kéo dài nhiều năm do Washington đứng đầu.

Đề cập đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Thủ tướng de Croo nói với nhật báo Le Soir: “Chúng tôi không tham gia nhưng nó ở ngay trước cửa nhà chúng tôi”.

“Ngày 11/9 là một thời khắc quyết định đối với Hoa Kỳ. Cuộc chiến ở Ukraine này là thời khắc 11/9 của châu Âu”.

EU đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chưa từng có đối với Nga vì xâm lược nước láng giềng, bao gồm cắt 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch SWIFT, nhắm vào đồng minh của Moscow là Belarus và đưa các quan chức nhà nước Nga và tỷ phú đầu sỏ thân cận với Điện Kremlin vào danh sách đen.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nói trong một tuyên bố chung rằng: “Cuộc chiến xâm lược của Nga tạo nên sự thay đổi cấu trúc trong lịch sử châu Âu”, đồng thời nói thêm rằng cuộc xâm lược sẽ khiến họ phải đối mặt với “sự bất ổn, cạnh tranh chiến lược và các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng”.

EU vẫn trả hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi ngày cho Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất, cho hơn 40% lượng khí đốt tự nhiên, hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu và gần một nửa lượng than của nước này.

Trong khi Hoa Kỳ đã cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga, thì tình huống của EU phức tạp, tốn kém và nhạy cảm hơn về mặt chính trị vì lo ngại giá năng lượng và lương thực sẽ tăng mạnh hơn nữa.

Các nhà lãnh đạo EU không đồng ý về thời hạn loại bỏ các nguồn năng lượng của Nga vì sự phụ thuộc của các quốc gia là rất khác nhau, trong đó Đức, Ý, Hungary, Áo là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG