Đường dẫn truy cập

Thêm 6 người bị bắt vì dính líu đến bê bối ‘Cục Lãnh sự-chuyến bay giải cứu’


Thêm 6 người bị bắt vì liên quan đến vụ đưa, nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, 25/7/2022.
Thêm 6 người bị bắt vì liên quan đến vụ đưa, nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, 25/7/2022.

Bộ Công an Việt Nam hôm 25/7 bắt tạm giam thêm 6 người bị tình nghi có đưa, nhận hối lộ trong quá trình Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, tổ chức các chuyến bay đưa người Việt hồi hương vào lúc cao điểm của đại dịch COVID-19.

Thông tin được trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam công bố cho biết có 4 người bị bắt về tội danh “nhận hối lộ” là Trần Văn Dự, 61 tuổi, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Vũ Sỹ Cường, 36 tuổi, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Nguyễn Mai Anh, 46 tuổi, chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ; và Ngô Quang Tuấn, 38 tuổi, chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông-Vận tải.

Một người bị bắt với tội danh "đưa hối lộ" là Nguyễn Tiến Mạnh, 52 tuổi, người giữ chức vụ lãnh đạo điều hành của hai công ty dịch vụ du lịch.

Người thứ sáu bị bắt về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", có tên là Bùi Huy Hoàng, 34 tuổi, một cán bộ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Công an cũng đã khám xét chỗ ở và nơi làm việc của 6 người kể trên, trang Thông tin Chính phủ cho hay, đồng thời nói thêm rằng vụ án vẫn đang tiếp tục được công an mở rộng điều tra để xử lý nghiêm.

Tính cả 6 người vừa bị tạm giam, đến nay công an Việt Nam đã bắt tổng cộng 17 người có vai trò trong vụ bê bối đưa, nhận hối lộ bị đông đảo người dân lên án.

Nổi bật trong những người bị bắt, như VOA đã đưa tin, là ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; và bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự của bộ.

Vụ bê bối gắn với các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch COVID-19, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu”, xảy ra trong giai đoạn hai năm 2020 và 2021. Khi đó, đại dịch làm các nước đóng cửa biên giới với nhau, vì vậy, các công dân Việt Nam đã phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể trở về nhà trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.

Trong một cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ hồi đầu tháng 6, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an, dẫn lại kết quả điều tra ở thời điểm đó cho biết mỗi “chuyến bay giải cứu” sau khi trừ các chi phí đem lại số tiền lợi nhuận là “hàng tỷ đồng”, và ông nói thêm rằng “chúng ta biết là có gần 2 nghìn chuyến bay giải cứu”.

Như vậy, theo tướng Xô, các bị can đã chia chác số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong vụ bê bối.

Dư luận Việt Nam lâu nay vẫn lên án nặng nề các bị can trong vụ án, gọi những người đó là những “kẻ khốn nạn” lợi dụng dịch bệnh ăn trên mồ hôi xương máu của đồng bào, hoặc đó là những kẻ xấu xa chỉ tìm cách kiếm lợi trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi đồng bào của họ khốn cùng nhất.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG