Đường dẫn truy cập

Hà Nội lúng túng chống dịch, nhiều người than phiền, bí thư Dũng tỏ ý lắng nghe


Hà Nội tiếp tục kiểm soát chặt việc người dân ra đường (ảnh tư liệu, tháng 8/2021).
Hà Nội tiếp tục kiểm soát chặt việc người dân ra đường (ảnh tư liệu, tháng 8/2021).

Trong 3 ngày qua, nhiều người nặng lời chỉ trích hoặc than phiền về các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của chính quyền Hà Nội, một số người đưa ra những góp ý, và sáng 7/9, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng tỏ ý lắng nghe.

Theo quan sát của VOA, vấn đề gây nhiều bức xúc nhất trong dư luận là quy định mới của chính quyền thủ đô Việt Nam về cấp giấy đi đường, được thông báo hôm 3/9.

Tường thuật về vấn đề này, các báo trong nước cho hay tại nhiều phường, xã của Hà Nội, người dân “quay cuồng” hoặc “ngồi chời đợi trong đêm” để được công an cấp giấy, những người chưa được cấp rơi vào tình trạng “đứng ngồi không yên”, các doanh nghiệp “than khó” và “lo lắng”.

Về phía nhà chức trách, các báo phản ánh rằng công tác xét, cấp, kiểm soát giấy đi đường có nhiều “lúng túng”, “bất cập”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, được báo Tiền Phong trích lời nhận xét rằng việc cấp giấy đi đường của Hà Nội vội vàng khiến người dân không kịp thực hiện, và nó cũng thể hiện một mức độ thấp về mặt công nghệ.

Nhiều bài và ảnh trên báo chí và mạng xã hội ở Việt Nam cho thấy cảnh ùn tắc, tập trung đông người tại các điểm kiểm soát. Nhiều người bày tỏ lo ngại và chỉ trích rằng cách làm này lặp lại sai lầm ở thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra cách đây khoảng 3 tháng và chỉ gây lây nhiễm thêm thay vì góp phần kiểm soát dịch.

Trên mạng xã hội, vô số người, trong đó có võ sư-phóng viên tự do Đoàn Bảo Châu và bác sỹ Võ Xuân Sơn, chỉ trích biện pháp đưa người dân đến hoàn cảnh chen chúc nhau tại các điểm kiểm soát là “ngu”.

Giữa lúc vấn đề này chưa được gỡ rối, vào tối 6/9, chính quyền Hà Nội thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm 100% dân số từ ngày 7 đến 12/9.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện kiến nghị: Bỏ xét nghiệm toàn dân, bỏ giấy đi đường, ưu tiên duy trì lực lượng shipper (những người vận chuyển, giao hàng); tổ chức “giải cứu” cho những người sản xuất nông phẩm, thực phẩm; mời các chuyên gia y tế giỏi tư vấn cho thành phố về phòng chống dịch.


Thông tin này nhanh chóng dẫn đến nhiều phê phán. Bày tỏ ý kiến cá nhân trên Facebook, nhiều người bao gồm tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, các nhà báo Hoàng Tư Giang, Nguyễn Trinh Phúc, v.v… cho rằng việc xét nghiệm toàn thành phố là “lãng phí”, “vô vọng”, “cực kỳ tham vọng”, “không thể tưởng tượng được”.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng, được tờ Nhà Báo và Công Luận trích lời bình luận rằng “Xét nghiệm 100% người dân là biện pháp thừa thãi, không khoa học”.

Nhiều báo trong nước dẫn lại ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, một cựu quan chức Bộ Y tế, tính toán rằng chi phí Hà Nội bỏ ra để xét nghiệm toàn bộ dân trong thành phố “đủ để mua 6 triệu liều vắc-xin”.

Hà Nội lên kế hoạch xét nghiệm 100% cư dân, dẫn đến các chỉ trích.
Hà Nội lên kế hoạch xét nghiệm 100% cư dân, dẫn đến các chỉ trích.

Quan sát những động thái chính sách của thủ đô Việt Nam, chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn, hiện làm việc ở Đức, viết trên trang cá nhân rằng yếu tố cốt lõi giúp cho một nước thắng được dịch “nằm ở sự thông minh của chính sách” và ông nhận định rằng “những ngày tệ nhất của Hà Nội” vẫn còn ở phía trước.

Song song với những lời phê phán, chỉ trích, nhiều người - trong đó có cả các chuyên gia về y tế, quản trị công, v.v… - cũng đưa ra những ý kiến đóng góp hoặc hiến kế để Hà Nội ứng phó với đại dịch hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một công dân Hà Nội, cho VOA biết ông đã tập hợp những lời góp ý đó thành một bản kiến nghị 5 điểm dành cho lãnh đạo thành phố và được đăng trên trang Facebook của ông.

Bản kiến nghị kêu gọi bỏ xét nghiệm toàn dân, bỏ giấy đi đường, ưu tiên duy trì lực lượng shipper (những người vận chuyển, giao hàng); tổ chức “giải cứu” cho những người sản xuất nông phẩm, thực phẩm; mời các chuyên gia y tế giỏi tư vấn cho thành phố về phòng chống dịch.

Chỉ 1 tiếng sau khi kiến nghị được đăng lên vào sáng 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã gọi điện cho tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện để trực tiếp nghe và trao đổi lại. Tuy nhiên, tôn trọng tính chất riêng tư của cuộc gọi, ông Diện không chia sẻ nội dung chi tiết với VOA.

VOA cố gắng liên lạc với ông Đinh Tiến Dũng qua văn phòng của thành ủy để tìm hiểu thêm nhưng không kết nối được.

Tiến sĩ Diện cho biết “phong thái của ông bí thư thành ủy là lắng nghe ý kiến mà tôi đã tập hợp lại từ các cư dân trong xã hội” và vị bí thư “cũng có lời cảm ơn về bản kiến nghị”.

Ông Diện nhận định rằng các ý kiến nêu lên sẽ được Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Chu Ngọc Anh “lắng nghe và điều chỉnh trong công cuộc chống dịch COVID-19”.

Từ góc nhìn của mình, tiến sĩ Diện cho rằng đối mặt với đại dịch có tầm cỡ toàn cầu như hiện nay, với thực tế là các nhà khoa học và chuyên gia y tế trên thế giới còn chưa hiểu biết hết về virus SARS-CoV-2, việc nhà chức trách thay đổi chiến lược, chiến thuật, các quyết định là “điều bình thường”.

Việc thay đổi là cần thiết để chống dịch tốt hơn, linh hoạt hơn và hạn chế những điều cực đoan hoặc những gì ảnh hưởng quá nặng nề đến sinh hoạt và đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế, ông Diện nói với VOA.

Ông cho biết ông có kỳ vọng là các lãnh đạo Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, đặc biệt là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, sẽ lắng nghe các chuyên gia dịch tễ, y tế, các nhà khoa học và sẽ đưa ra các điều chỉnh hiệu quả để khống chế và làm giảm số các ca nhiễm và tử vong.

Tính đến tối 7/9, Việt Nam có tổng cộng xấp xỉ 551.000 ca nhiễm và 13.701 ca tử vong. Riêng Hà Nội, các con số lần lượt là 4.155 người nhiễm và 47 người chết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG