Chính quyền Biden đang đối mặt vấn đề nan giải là có nên giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát tăng cao hay không trong lúc những người phản đối cho rằng nó không có tác dụng bao nhiêu mà lại khiến Mỹ mất đi đòn bẩy gây áp lực lên Bắc Kinh.
Lạm phát ở Mỹ lên đến mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, gây áp lực lên cuộc sống của người dân, khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden cân nhắc bãi bỏ thuế quan lên hàng trăm tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc được áp từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, ít nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng.
Nội bộ của chính quyền Biden cũng có sự chia rẽ. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết một số mức thuế đánh vào Trung Quốc ‘không có mục đích chiến lược’ và bà ủng hộ loại bỏ thuế quan để hạ nhiệt lạm phát, Đại diện Thương mại Katherine Tai cho rằng đó là ‘đòn bẩy đáng kể mà Mỹ không nên từ bỏ’.
Tại phiên điều trần trước tiểu ban Phân bổ Ngân sách của Thượng viện hồi cuối tháng Sáu, bà Tai nói điều quan trọng là phải tập trung bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ trước các kế hoạch của Trung Quốc là thống trị các ngành nghề quan trọng như bán dẫn.
Theo bà Tai thì áp lực lạm phát cuối cùng sẽ giảm, nhưng Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức chiến lược dài hạn từ các chính sách kinh tế nhà nước của Trung Quốc, Reuters đưa tin.
‘Giảm 1% lạm phát’
Ngày càng có nhiều kinh tế gia, nhà quan sát chính trị và nhà phân tích đã kêu gọi chính quyền Biden cắt giảm thuế quan khi lo ngại gia tăng về lạm phát và suy thoái kinh tế.
“Nhiều kinh tế gia nói rằng theo thời gian, chỉ số CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) có thể giảm đến 1%, điều rất ý nghĩa đối với người tiêu dùng Mỹ,” cựu đại sứ Mỹ tại Singapore, David Adelman, nói với CNBC.
Mặc dù cuộc thương chiến của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc được lòng của cử tri Mỹ cả tả lẫn hữu vào năm 2018, ông Adelman cho biết nỗ lực này về mặt kinh tế là vô ích và không đem đến lợi ích thương mại ‘có ý nghĩa’.
“Lạm phát sẽ là vấn đề số một trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11,” ông Adelman nói.
“Mặc dù tổng thống bị hạn chế về những gì ông có thể làm để kiểm soát lạm phát, ông ấy có một công cụ quan trọng,” cựu đại sứ Adelman cho biết. “Đó là việc giảm bớt áp lực lên nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ do mức thuế quan rất cao đối với hơn 370 tỷ đô la hàng nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc gây ra”.
“Nó không chỉ tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Nó giống như gậy ông đập lưng ông với kinh tế Mỹ,” Adelman, vốn cũng là giám đốc điều hành KraneShares, cho biết.
Còn cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers phát biểu trên chương trình ‘Meet the Press’ của kênh NBC News rằng dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc là ‘điều đúng đắn nên làm’.
“Nó sẽ giữ giá cả xuống và cho phép chúng ta có cách tiếp cận chiến lược hơn để đối phó với Trung Quốc,” ông Summers nói.
Trung Quốc không thực hiện các mục tiêu mà Mỹ đặt ra trong thỏa thuận thương mại đạt được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, phân tích từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho thấy và khẳng định thuế quan làm tăng lạm phát cho cả người tiêu dùng và hãng xưởng Mỹ.
Tính đến tháng 11 năm 2021, thuế quan Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc đã tăng CPI thêm 0,26%, Katheryn Russ, nghiên cứu viên cao cấp không thường trú về chính sách thương mại của PIIE cho biết trong một phân tích hồi đầu năm nay. Trong năm sau khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, giá sản xuất cũng tăng 1%, phân tích của Russ cho biết.
Hồi tháng 3, Chad Bown, nghiên cứu viên cao cấp về chính sách thương mại của PIIE, cho biết Trung Quốc đã không mua thêm được chút nào trong khoản 200 tỷ đô la hàng hóa Mỹ mà họ cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký hồi đầu năm 2020.
Còn về sức tàn phá của nó đối với nền kinh tế Trung Quốc, thuế quan chỉ làm giảm hơn 0,5% GDP Trung Quốc, Mark Williams, kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, được CNBC dẫn lời cho biết.
“Một số công ty Trung Quốc có thể né thuế bằng cách chuyển hướng hàng xuất khẩu đến Mỹ thông qua các nước thứ ba, chủ yếu là ở Đông Nam Á. Điều này có thể làm giảm một nửa hiệu quả,” Williams nói.
‘Không có lợi cho người lao động’
Trên mục Ý kiến của tờ Washington Examiner, ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh Sản xuất Hoa Kỳ, đã chỉ trích ý tưởng bỏ thuế quan đối với Trung Quốc này và nói rằng đó không phải là điều các công đoàn ở Mỹ mong muốn.
“Các công đoàn đã nói rõ rằng họ hy vọng thuế quan vẫn sẽ được duy trì. Việc dỡ bỏ thuế quan không chỉ làm lợi cho đối thủ kinh tế bất hợp tác mà còn gây hại cho các khối cử tri quan trọng trong nước,” ông viết.
Theo lập luận của ông, thì thuế quan thấp sẽ không làm giảm giá cả hàng hóa mà người tiêu dùng đối mặt. Giá cả tăng ở những mặt hàng như nhiên liệu, vé máy bay và các sản phẩm sữa – vốn không nằm trong danh mục sản phẩm bị đánh thuế.
Ông cho rằng thuế quan được bãi bỏ sẽ khiến các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘sẽ vui mừng’, nhưng những người làm công ăn lương sẽ không vui.
Theo lời ông Scott Paul thì thuế quan được áp đặt do chính phủ Trung Quốc trong hàng chục năm hoàn toàn coi thường các quy tắc thương mại quốc tế, dẫn đến xâm nhập mạng, đánh cắp sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất Mỹ tràn lan và Mỹ bị mất hơn 3 triệu việc làm ở các hãng xưởng trong gần 17 năm.
“Dỡ bỏ thuế quan có nghĩa là gia tăng cạnh tranh từ một đất nước không chơi công bằng. Các hãng xưởng Mỹ sẽ đóng cửa, việc làm sẽ bị mất và tiền lương sẽ không có,” ông cảnh báo.
‘Không đáng kể’
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy ngành MBA tại Keller Graduate School of Management, nhận định việc giảm thuế quan này sẽ không tác động bao nhiêu để giảm lạm phát.
“Đại đa số người dân Mỹ khi mua hàng hóa Trung Quốc không nghĩ là họ trả thêm cho thuế quan khiến hàng hóa đắt đỏ,” ông giải thích. “Giá cả hàng tiêu dùng vẫn còn quá rẻ.”
Theo phân tích của ông thì trong thời gian qua các nhà xuất khẩu của Trung Quốc và các nhà nhập khẩu Mỹ đã tìm cách thích ứng với thuế quan để hàng hóa tới tay người tiêu dùng Mỹ không quá mắc.
“Chẳng hạn như nếu giá hàng hóa tăng lên 1 đô la thì phía nhà sản xuất Trung Quốc chịu 40 cent, nhà nhập khẩu Mỹ như Walmart chịu 30 cent và người tiêu dùng chỉ chịu mức tăng giá có 30 cent mà thôi,” ông trình bày.
Do đó, giảm thuế quan thì người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ không được lợi bao nhiêu vì nhà xuất khẩu Trung Quốc và các hãng nhập khẩu Mỹ đã hấp thụ phần lớn mức thuế, ông giải thích.
“Các nhà nhập khẩu Mỹ biết là người dân Mỹ đã quen với mức giá mới rồi, họ chỉ cần giảm xuống một tí tượng trưng là được,” ông nói.
“Người tiêu dùng Mỹ cũng không so sánh giá. Chẳng hạn một cái áo lúc trước cỡ 7-8 đô bây giờ xuống còn 7,2 đô thì họ cũng không biết mắc rẻ bao nhiêu đâu,” ông nói thêm.
Về việc thuế quan giúp giảm chi phí đầu vào cho các nhà sản xuất Mỹ, ông nói chi phí đó chỉ là ‘một phần rất nhỏ’ trong chuỗi sản xuất ở Mỹ. “Nó chỉ giúp các ngành công nghiệp Mỹ giải quyết việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng để sản xuất dễ dàng mà thôi,” ông Lộc cho biết.
Theo lời vị giáo sư này thì thuế quan đánh vào Trung Quốc ‘không gây lạm phát’ cho nên bỏ thuế quan không có tác dụng nhiều để giảm lạm phát.
“Thuế quan lúc gay gắt nhất dưới thời cựu Tổng thống Trump mà thời đó lạm phát ở Mỹ dưới mức 2%,” ông nói.
Ông cho rằng mức giảm lạm phát 1% nếu bỏ thuế quan là ‘quá lạc quan’. Ông đưa ra con số ‘0.2 hay cùng lắm là 0.5%’
“Nếu Mỹ bỏ thuế quan cho Trung Quốc thì các nước khác cũng làm theo,” ông nói và cho rằng chính quyền Biden nên dùng thuế quan như là đòn bẩy trong một cuộc thương thuyết toàn diện nhằm khiến Trung Quốc từ bỏ lập trường ủng hộ Nga để cô lập Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, ông thừa nhận chỉ có hai điều chính quyền Biden có thể làm để giảm lạm phát trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra là ‘giảm thuế quan’ và ‘giảm thuế liên bang cho xăng dầu'.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn